Cần làm rõ khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành định mức, đơn giá cho ngành y tế

(BKTO) - Đây là yêu cầu của Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi làm việc với Sở Y tế Thành phố Hà Nội, ngày 26/4/2024.

12345.png
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Minh Trang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình); Lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, Sở quản lý 80 đơn vị trực thuộc, bao gồm: 3 đơn vị hành chính nhà nước và 77 đơn vị sự nghiệp chia thành 3 khối bệnh viện, trung tâm chuyên khoa và trung tâm y tế quận, huyện. Việc sáp nhập, tổ chức lại đơn vị thực hiện đúng theo quy định, tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối (so với năm 2016, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập mới 2 đơn vị và sáp nhập 11 đơn vị nên số lượng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở giảm 9 đơn vị).

Việc phân bổ sử dụng biên chế được thực hiện hiệu quả, hợp lý; viên chức được phân loại theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại bảo đảm về cơ cấu theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ cao. So với năm 2017, số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách của Sở giảm 11.991 người, tương đương 55,4%. Đối với sắp xếp, đổi mới hoạt động của trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn, hiện nay Hà Nội có 579 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ rõ, việc sáp nhập các đơn vị chủ yếu vẫn mang tính chất cơ học; nhân lực y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, trình độ còn hạn chế. Một số trạm y tế chưa có bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm, không đủ nhân lực để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chuyên môn.

Mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều hạn chế do mô hình tổ chức chưa ổn định, chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa có cơ chế thu hút cán bộ về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao.

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với báo cáo của Sở Y Hà Nội. Liên quan đến việc ban hành các chính sách và chương trình triển khai các kế hoạch của Thành phố, Đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế làm rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho ngành y tế.

Ngoài ra, Sở Y tế cần nêu rõ các cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội có trạm y tế hay không và thực tế công tác quản lý của trong thời gian qua. Đặc thù của Hà Nội là vừa có cơ sở y tế cấp Trung ương, vừa có cơ sở y tế cấp thành phố và các trung tâm y tế các cấp, vì vậy việc thống kê, quản lý cần phải rõ ràng.

Ghi nhận các ý kiến của Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan, đơn vị về những khó khăn của các cơ sở y tế trong việc tiến hành tự chủ, đổi mới quản lý, thu hút nguồn nhân lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Sở Y tế Hà Nội hoàn thiện báo cáo, nêu rõ hơn những mô hình, cách làm hay, từ đó có nghiên cứu định hướng, giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời, đánh giá nguyên nhân của những khó khăn và kiến nghị tập trung vào những vấn đề mang tính chất đặc thù của Thành phố.

Cùng chuyên mục
Cần làm rõ khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành định mức, đơn giá cho ngành y tế