Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong tại Hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2025.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đột phá cả về nội dung và hình thức. Tiếp tục đà này, Lãnh đạo ngành đã đề xuất kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch để các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia có trọng tâm và trọng điểm, tạo hiệu ứng chung thu hút khách du lịch quốc tế.
Minh chứng là trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu tại 2 chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc, Trung Quốc do Bộ VHTTDL tổ chức. Điều đó gửi đi thông điệp mạnh mẽ “cần đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia Việt Nam”.
Thực tế ở Nha Trang (Khánh Hòa), du khách đang đông trở lại và lưu trú ở khách sạn 4 sao hoặc 5 sao. Kết quả này có được là nhờ xúc tiến thị trường phù hợp, chú trọng doanh thu và chất lượng sản phẩm, chú trọng chất lượng hơn số lượng.
Tuy nhiên, nhiều điểm đến ở Nha Trang vẫn vắng khách, chứng tỏ cần có những sản phẩm phù hợp, những yêu cầu mới và cao hơn. Những người làm du lịch phải suy ngẫm về điều này và có những lựa chọn phù hợp với sản phẩm. "Chúng ta xây dựng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, một mặt cung phải đáp ứng cầu, mặt khác phải phát triển cung để tạo cầu" - Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
Trong năm 2024, Bộ VHTTDL cũng đã triển khai rộng khắp các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đặc biệt tại các thị trường du lịch trọng điểm; các thị trường, các quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh; những điểm đến đã kết nối đường bay thẳng và thị trường gửi khách lớn, có khả năng tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chủ trì tổ chức gian hàng tại 4 Hội chợ du lịch lớn, uy tín ở khu vực và trên thế giới; tham gia 9 Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam và kết nối doanh nghiệp; Lễ hội văn hóa - Du lịch tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ và 16 thành phố quốc tế… tạo tác động truyền thông lan tỏa tới đông đảo công chúng, du khách tại các thị trường trọng điểm.
Có thể nói, 2024 là năm “bùng nổ” của các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra thế giới với quy mô, số lượng và tần suất tương đương như trước dịch COVID-19. Chuỗi hoạt động này đã góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, khai thác cũng như mở rộng thị trường.
Thứ trưởng Hồ An Phong lưu ý, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn, doanh thu lớn hơn, tác động về môi trường ít hơn và bền vững hơn. Trong đó, hoạt động quảng bá giới thiệu điểm đến, kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cộng đồng du lịch rất quan trọng; nghĩa là đòi hỏi phải có sự liên kết, và bản chất của du lịch là liên kết, khắc phục tình trạng đơn thương độc mã, mạnh ai nấy làm.
"Nhà nước không làm tất cả. Nhà nước chỉ quản lý, định hướng, dẫn dắt, giữ vai trò kết nối, tạo môi trường tốt nhất trong quảng bá, xúc tiến du lịch… Cần kết nối từ lữ hành, vận tải, nhà hàng để xây dựng những gói combo nhằm tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh cao. Muốn đi xa phải đi cùng nhau; phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả cũng như cần đo lường kết quả, tính toán hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong năm 2025" - Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh./.