Cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT cho tiểu thương chợ Thụy Vân |
Lợi ích thiết thực, an toàn và đáng tin cậy
Buổi sáng cuối tuần tại chợ Thụy Vân, xã Thụy Vân, TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), giữa không khí nhộn nhịp, xô bồ bán mua, những cán bộ tuyên truyền của BHXH tỉnh Phú Thọ trên tay là một tệp tờ gấp, thư ngỏ liên quan đến các chế độ, chính sách BHXH, BHYT tỏa về các gian hàng, gặp gỡ tiểu thương, người dân để chia sẻ về các quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Mới đầu khi nghe tuyên truyền, nhiều người dân thấy thời gian đóng BHXH tự nguyện quá dài (20 năm), trước mắt không được lợi ích gì nên họ thờ ơ, chưa lắng nghe, không muốn tham gia. Tuy nhiên, không nản lòng, các cán bộ tuyên truyền vẫn gần gũi trò chuyện, giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Dần dần, nhiều người dân hiểu được BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, không giống các loại hình bảo hiểm thương mại khác nên bắt đầu quan tâm và có nhiều người đã đăng ký tham gia.
Khi biết được những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, anh Nguyễn Thành Long (sinh sống ngay cạnh chợ Thụy Vân) đã quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho bố và mẹ của mình năm nay đã ngoài 50 tuổi. Anh Long chia sẻ: “Trước đây, tôi có nghe đến BHXH tự nguyện nhưng cũng không hiểu rõ về lợi ích, quyền lợi tham gia. Hơn nữa, cũng có nhiều loại hình bảo hiểm khác mời chào nên tôi đang phân vân, không biết loại hình nào tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, tôi nhận ra BHXH tự nguyện sẽ là chỗ dựa vững chắc cho mẹ của mình khi về già, giảm gánh nặng cho con cháu sau này. Đặc biệt, BHXH tự nguyện do Nhà nước tổ chức, thực hiện; linh hoạt trong đóng - hưởng, được Nhà nước hỗ trợ đóng nên tôi thấy rất yên tâm, tin tưởng khi tham gia”.
Chỉ sau ít phút tuyên truyền, các cán bộ của BHXH tỉnh cũng đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến đối tượng, điều kiện, mức đóng, quyền lợi được hưởng. Thậm chí, đã quá giờ trưa nhưng không khí hỏi - đáp, tư vấn vẫn tiếp tục diễn ra rôm rả. Chị Nguyễn Thị Tuyết - tiểu thương bán thịt lợn cho biết, mình mới mua một gói bảo hiểm thương mại, mức đóng gần 20 triệu/năm trong vòng 15 năm. “Tôi tính toán 15 năm sau rút tiền về để có một khoản dưỡng già” - chị Tuyết tâm sự. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ BHXH tỉnh phân tích về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, với mức đóng linh hoạt tùy điều kiện kinh tế từng giai đoạn, chị Tuyết cảm thấy thuyết phục.
“Tôi thấy mỗi loại hình bảo hiểm có một ưu điểm riêng, nhưng BHXH tự nguyện thì yên tâm hơn vì có Nhà nước bảo hộ. Hơn nữa, mình là lao động tự do, sau này hết sức lao động thì không biết bấu víu vào đâu, đóng BHXH tự nguyện để về già có sổ hưu, có thẻ BHYT nên thấy khả thi hơn” - chị Tuyết nói.
Cán bộ tuyên truyền cũng giải thích thêm cho chị rất cặn kẽ về điều kiện đóng, mức đóng, và không quên cung cấp số điện thoại, địa chỉ của mình cũng như của nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT nơi chị cư trú để tạo thuận tiện cho việc liên hệ sau buổi tuyên truyền.
Ngoài BHXH tự nguyện, nhiều tiểu thương khác cũng rất quan tâm đến BHYT hộ gia đình. Một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Thụy Vân cho hay, bà chưa từng tham gia BHYT, nay đã vào tuổi trung niên, nhiều phen ốm đau, bệnh tật phải đi khám, chữa bệnh thường xuyên nhưng chưa có BHYT để đỡ phần kinh phí. Khi được cán bộ BHXH tư vấn về mức đóng BHYT hộ gia đình, đặc biệt hình thức bảo hiểm này có nhiều ưu đãi, chỉ 62.550 đồng/tháng với người thứ nhất và giảm dần số tiền đóng với những thành viên khác. Tiểu thương này cho biết, sẽ mua ngay BHYT cho cả bản thân và các thành viên trong gia đình đang làm công việc tự do.
Nhiều người còn “đánh đồng” BHXH với bảo hiểm thương mại
Việc tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, đến các khu chợ để tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, vận động người dân, người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ cần mẫn thực hiện mỗi ngày, không quản giờ giấc, ngày nghỉ, ngày lễ với mong muốn để những người lao động tự do, các tiểu thương hiểu được ý nghĩa nhân văn của chính sách, bớt những phần thu nhập nhỏ mỗi ngày “tích tiểu thành đại” để khi về già có lương hưu, có nguồn tài chính ổn định, đặc biệt là được chăm sóc sức khỏe bằng tấm thẻ BHYT.
Theo của anh Lương Sỹ Thanh - cán bộ Phòng Tuyên truyền và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh Phú Thọ - ở các khu chợ, đối tượng tuyên truyền chủ yếu là tiểu thương, buôn bán tự do, phần lớn không có chế độ hưu trí, hoặc tham gia đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, một bộ phận trong số họ còn chưa thực sự nắm bắt hết quyền và nghĩa vụ khi tham gia chính sách nhân văn này của Nhà nước, thậm chí, nhiều người còn lầm tưởng chính sách BHXH giống như bảo hiểm thương mại. Bởi đã có nhiều vụ việc tham gia bảo hiểm thương mại khiến người dân mất lòng tin. “Khi họ chưa hiểu, chưa phân biệt được các loại hình bảo hiểm khác nhau thì việc tuyên truyền rất khó khăn. Mặc dù vậy, những người làm chính sách BHXH chúng tôi vẫn quyết phải đi, phải đến để giải thích một cách “thấu tình đạt lý” cho họ hiểu về những lợi ích mà chính sách an sinh xã hội của Nhà nước mang lại” - anh Thanh chia sẻ.
Làm việc cùng phòng với anh Thanh, chị Nguyễn Thị Lạc cho biết, thời gian qua, nhiều người nhầm tưởng cơ quan BHXH là DN kinh doanh bảo hiểm, còn cán bộ BHXH là những người đi bán BHXH, BHYT. Trước tình hình đó, ngành BHXH đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, để người dân thấy rõ sự khác biệt giữa cơ quan BHXH - đơn vị thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước - với các loại hình bảo hiểm thương mại khác.
Mang tâm niệm cố gắng không bỏ sót đối tượng - những người làm công tác an sinh ý thức rõ trách nhiệm vận động người lao động tự do, không có nguồn thu nhập ổn định tham gia mạng lưới an sinh để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Để những suy nghĩ “BHXH là cơ quan thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước; cán bộ BHXH đi tuyên truyền chính sách, mang chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân” được lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. “Vì những nụ cười rạng rỡ, vì hạnh phúc người dân nên chúng tôi không ngại khó khăn, vất vả. Vất vả một phần của chúng tôi nhưng là niềm vui 10 phần của người dân, người lao động tự do” - chị Nguyễn Thị Lạc bộc bạch.