Cần nguồn lực, công nghệ để nâng tầm chất lượng kiểm toán môi trường

HỒNG NHUNG (thực hiện) | 12/01/2023 15:54

(BKTO) - Tầm quan trọng của tài chính khí hậu đối với các quốc gia, các giải pháp giúp Việt Nam đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong công tác bảo vệ môi trường là những nội dung được GS,TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán nhân dịp Xuân Quý Mão.

22-dang-hung-vo.jpg
GS,TSKH. Đặng Hùng Võ. Ảnh sưu tầm

Thưa ông, lần đầu tiên Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) năm 2022 có một chương trình nghị sự riêng về tài chính khí hậu. Là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ông đánh giá như thế nào về chương trình nghị sự này?

Tôi cho rằng COP27 đã đề cập tới một vấn đề mà rất nhiều nước quan tâm, đặc biệt các nước đang phát triển. Nguồn vốn cho phát triển kinh tế đã khó khăn, nay lại phải chi phí lớn cho những giải pháp biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là việc giảm phát thải khí nhà kính. Các nước phát triển cũng có khó khăn nhưng họ có tiềm lực để làm việc này. Với các nước đang phát triển, chi phí cho BĐKH là cực kỳ lớn. Vấn đề đặt ra lúc này, các nước có tiềm năng kinh tế hay các nước phát triển phải có trách nhiệm đóng góp cho các nước đang phát triển, bởi tiềm lực tài chính của các nước đang phát triển khó có thể tự giải quyết vấn đề giảm phát thải.

Hiện nay, thế giới đã có sáng kiến thương mại carbon, tức là nước nào phát thải carbon nhiều thì lúc đó, nước phát thải carbon ít sẽ được nhận một số tiền tương đương. Nước phát thải ít bán phần phát thải lớn so với mức phát thải thực của nước đó cho các nước phát thải nhiều, coi đấy là chỉ số để chỉ ra lượng tài chính mà các nước phát triển phát thải nhiều có thể trợ giúp các nước đang phát triển phát thải ít một lượng tiền tương đương. Thế nhưng, điều này vẫn còn đang tranh luận bởi đây là một cam kết quốc tế mang tính xã hội, mang tính cộng đồng, không đo đếm được chính xác và cũng không có chế tài để buộc thực hiện. 

Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Có thể thấy, các cam kết của Việt Nam mạnh mẽ, cương quyết, thể hiện ý thức và trách nhiệm rất cao với nhân loại, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, phải thấy rằng, ở Việt Nam, công nghiệp phát thải chắc chắn không nhiều, cùng lắm là sản xuất điện (nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than). Với quy hoạch điện, chúng ta đã lưu tâm chuyện này nên từng bước chuyển nhiệt điện than thành nhiệt điện khí hóa lỏng. Mặt khác, chúng ta cũng tăng cường sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Như vậy, riêng công nghiệp, Việt Nam có thể chủ động nhưng trong sinh hoạt, cần tính tới những giải pháp khả thi hơn. Chẳng hạn, vấn đề đốt rơm, rạ ngoài đồng của bà con nông dân, câu chuyện sử dụng xe xăng, thậm chí xe đã hết niên hạn sử dụng, dùng than tổ ong để nấu nướng... Bộ phận trung lưu trở lên thì hiện nay thích dùng điện hơn. Nhưng tầng lớp thu nhập thấp hơn thì vẫn dùng ga, thậm chí dùng than. Tôi cho đây là trở ngại lớn. Nhà nước sẽ phải có cách để trợ giúp, vấn đề là chi phí trợ giúp như thế nào.

Hiện nay, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là vấn đề lớn so với các nước, cần phải được giải quyết. Trước đây, chúng ta đã có sáng kiến đổi xe máy cũ lấy xe máy mới hay nhiều sáng kiến khác nhưng do đời sống kinh tế còn thấp, các giải pháp đó chưa thực sự phù hợp. Chúng ta còn khoảng 28 năm để thực hiện mục tiêu và cần đặt ra một lộ trình nhất định. Tuy nhiên, phải thay đổi chính sách để động viên toàn dân tham gia vào công cuộc chống BĐKH. 

Vậy theo ông, Việt Nam cần thiết kế chính sách như thế nào để huy động được người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia ứng phó với BĐKH?

Tôi cho rằng, chúng ta phải thiết lập cơ sở để nâng cao thu nhập của người dân, lúc đó, họ mới đủ tiềm lực tài chính để thực hiện việc này, việc kia. Cùng với đó, Nhà nước phải chuẩn bị kế hoạch ngân sách để có thể trợ giúp người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong việc thực hiện một số chủ trương do Nhà nước đặt ra về chống BĐKH.

Với doanh nghiệp lớn, theo tôi, Nhà nước chỉ cần miễn tỷ lệ % về thuế thì họ có thể thay đổi quy trình sản xuất. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa hay hợp tác xã, Nhà nước cần đẩy mạnh trợ giúp thông qua thương mại carbon. Việc Việt Nam áp dụng cơ chế thương mại carbon sẽ giúp tìm kiếm được nguồn tài chính rất lớn từ các nước phát triển hơn. Điều này hoàn toàn khả thi để chúng ta có kinh phí trợ giúp khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình.

Ngân hàng Thế giới đã có báo cáo khuyến nghị cho Việt Nam cách thức tìm nguồn tài chính và lộ trình hình thành các chính sách cụ thể. Chúng ta có thể đặt kế hoạch để thực hiện được mục tiêu đó. Một phần nguồn tài chính có thể tìm kiếm chủ động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, cá nhân nhưng nguồn lực này sẽ không nhiều. Nguồn tài chính chủ yếu vẫn phải đến từ thương mại carbon và vay của các tổ chức tài chính quốc tế.

Hướng tới sự phát triển bền vững, những năm qua, KTNN đã chú trọng kiểm toán môi trường. Ông có gợi mở gì để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ này?

Những năm gần đây, KTNN không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính mà đã chú trọng kiểm toán về đất đai, môi trường, rác thải… Tôi cho rằng, KTNN đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với các cuộc kiểm toán môi trường, chẳng hạn khi kiểm toán để phân tích, đánh giá về chương trình giảm phát thải, KTNN phải có trách nhiệm chỉ ra những việc chưa làm được và kiến nghị cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện giảm phát thải theo kế hoạch đặt ra.

Hay khi kiểm toán vấn đề liên quan đến môi trường của một đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, KTNN phải có lực lượng nhiều hơn và mạnh hơn. Trong quá trình kiểm toán, KTNN phải dựa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường để đánh giá. Đặc biệt, KTNN có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào hoạt động kiểm toán, ví dụ, có thể xem xét ảnh vệ tinh để phán đoán được nơi nào đã xảy ra câu chuyện về phát thải. Tôi cho rằng, tầm vĩ mô phải nâng cao hơn nữa để chúng ta có được những kết luận rộng hơn, mang tính khái quát hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Cần nguồn lực, công nghệ để nâng tầm chất lượng kiểm toán môi trường