Kiểm toán nhà nước là một công cụ hữu hiệu trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội

NGUYỄN HỒNG (thực hiện) | 12/01/2023 12:27

(BKTO) - Chia sẻ với Báo Kiểm toán những đánh giá về kết quả công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2022, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính công, tài sản công, dấu ấn nổi bật của KTNN là những đóng góp đối với công tác giám sát của Quốc hội.

8-hoang_van_cuong_0.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Thưa ông, từ báo cáo của KTNN cũng như qua theo dõi hoạt động của Ngành, ông đánh giá như thế nào về hoạt động KTNN trong năm 2022?

Trong năm 2022, có thể nói KTNN đã thực hiện tốt vai trò kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính công, tài sản công. KTNN đã hoàn thành kế hoạch kiểm toán năm 2022, qua đó đã đưa ra những đánh giá cũng như chỉ rõ những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Không chỉ đưa ra những kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn chỉ rõ những bất cập, những lỗ hổng về cơ chế, chính sách. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công.

Bên cạnh nhiệm vụ kiểm toán thường xuyên, trong năm 2022, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, KTNN đã thực hiện thành công cuộc kiểm toán Chuyên đề Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ. Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Qua kiểm toán, KTNN đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý, điều hành cũng như sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên KTNN đã có báo cáo Quốc hội ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 5 dự án quan trọng quốc gia. Các ý kiến của KTNN được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và là một trong những căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng này.

Một điểm nhấn trong năm 2022 là lần đầu tiên lãnh đạo KTNN đã trực tiếp tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. KTNN cũng gửi các báo cáo, cung cấp nhiều thông tin, tài liệu phục vụ các đoàn giám sát. Từ góc độ đại biểu Quốc hội, đồng thời là thành viên của Đoàn giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của KTNN đối với hoạt động giám sát của Quốc hội?

Năm 2022 là năm có rất nhiều hoạt động giám sát, với nhiều chuyên đề giám sát lớn. Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao giờ cũng sử dụng rất nhiều các thông tin do KTNN cung cấp. Chính hệ thống số liệu, tài liệu, hệ thống thông tin mà KTNN cung cấp là kênh thông tin rất khách quan và là cơ sở để đoàn giám sát của Quốc hội sẽ dựa vào đó để khi đi xuống địa phương, đến cơ sở thì sẽ tìm hiểu kỹ hơn và yêu cầu các đối tượng bị giám sát phải cung cấp thông tin, làm rõ các vấn đề.

Đặc biệt, một điểm đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 là đại diện lãnh đạo KTNN đã trực tiếp tham gia các đoàn giám sát. Khi lãnh đạo KTNN tham gia đoàn giám sát sẽ chỉ đạo hoạt động kiểm toán bám sát các chuyên đề giám sát, trên cơ sở đó cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ cho các đoàn giám sát, đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ. Đồng thời, lãnh đạo KTNN cũng đưa ra những vấn đề cần lưu ý trong quá trình giám sát, từ đó giúp đoàn giám sát đưa ra những nhận định, đánh giá đúng và trúng vấn đề.

Tôi cho rằng đó là một đóng góp rất ấn tượng của KTNN trong năm qua, đồng thời cũng là minh chứng cho thấy KTNN là một công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Đây là điểm tích cực mà KTNN cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bước sang năm 2023, trong bối cảnh đất nước đang tập trung cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chương trình, nhiệm vụ cấp bách đặt ra…, theo ông, KTNN cần quan tâm, chú trọng những vấn đề gì để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân?

Chúng ta biết rằng, năm 2023 là một năm rất đặc thù, đặc biệt là nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động KTNN là phải làm thế nào để chúng ta không buông lỏng quản lý, không để xảy ra những sai phạm, những thất thoát mà không được phát hiện kịp thời. Do đó, tôi cho rằng, KTNN vẫn phải duy trì tốt việc thực hiện chức năng, vai trò của mình để kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công, vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, KTNN cần thay đổi phương thức hoạt động để đạt được mục tiêu kiểm toán đề ra nhưng không gây khó khăn, cản trở đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phục hồi; đồng thời, chúng ta cũng đang có chủ trương là phải giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, năm 2023 cũng có rất nhiều các chương trình đặc thù, những hoạt động đặc thù đã được Quốc hội giao cho các cơ quan điều hành thực hiện; chẳng hạn như: Công tác chỉ định thầu, quyết định đầu tư các dự mới… Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này thì vai trò của KTNN là phải song hành với cơ quan điều hành. Tức là ngay khi những chương trình, những hoạt động này diễn ra thì KTNN phải bắt tay vào để trợ giúp. Lúc này, KTNN sẽ không phải là người đi kiểm tra lại để tìm ra các sai phạm mà KTNN thực sự có vai trò là đơn vị tư vấn, đi song hành với các cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện để tư vấn, hỗ trợ thực hiện các chính sách ưu đãi đặc thù này, để đảm bảo việc triển khai mang lại hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không để xảy ra những sai phạm đáng tiếc.

Với vai trò là người song hành, KTNN cần đưa ra những cảnh báo, chỉ ra những lỗ hổng, chỉ ra những điểm có thể còn thiếu sót, khiếm khuyết để cho các cơ quan thực hiện sẽ lường trước những rủi ro đó. Đồng thời, sau khi hoàn thành, KTNN sẽ kiểm toán, đánh giá lại những vấn đề đã được cảnh báo, lưu ý trước đó xem đã được khắc phục như thế nào. Tôi cho rằng, đó là cách làm vừa giúp cho cơ quan quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ, tránh được sai phạm, đồng thời cũng là một quá trình mang tính hệ thống để giúp KTNN thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước là một công cụ hữu hiệu trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội