Cân nhắc một số chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam

(BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý đối với Đề nghị xây dựng Nghị định xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

ns(1).jpg
VCCI kiến nghị cân nhắc một số chính sách hỗ trợ nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Ảnh minh họa: S.T

VCCI cho biết, về các chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, Dự thảo đang đề xuất các chính sách theo hướng tập trung vào các biện pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ nhận diện thương hiệu. VCCI ủng hộ các chính sách hỗ trợ mà Dự thảo đang đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn kinh phí ban đầu trong việc thực hiện bảo hộ nhãn hiệu.

Tuy nhiên, bảo hộ nhãn hiệu chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể quá trình phát triển thương hiệu nông sản. Để phát triển thương hiệu nông sản đòi hỏi các yếu tố: sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng; khả năng thâm nhập vào các kênh phân phối trong nước và nước ngoài; phát triển bộ nhận diện thương hiệu và câu chuyện thương hiệu phù hợp. Việc bảo hộ thương hiệu chỉ cần thiết và hiệu quả khi thương hiệu đã mang lại giá trị kinh tế và việc bảo hộ nhằm bảo vệ các giá trị kinh tế đó.

Mặt khác, các nguyên nhân tương tự dẫn đến thương hiệu nông sản Việt Nam chưa phát triển cũng được nhận diện trong Báo cáo Đánh giá tác động chính sách, gồm: chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng; chưa chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển, bảo quản; chưa xây dựng quảng bá, truyền thông.

Trên cơ sở những phân tích trên, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ, bao gồm: chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khoá học nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khoá học nâng cao năng lực kinh doanh, quảng cáo trên thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, theo VCCI, việc đầu tư xây dựng một thương hiệu nông sản (quốc gia hay địa phương) cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu với mục tiêu cuối cùng là thương hiệu nông sản đó phổ biến, có thể nhận diện và mang lại giá trị kinh tế. Có như thế, các chính sách và kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mới có hiệu quả và không lãng phí. Ngược lại, nguồn hỗ trợ của Nhà nước có thể bị sử dụng mà không đạt hiệu quả, như đã nhận diện trong Báo cáo đánh giá tác động.

“Do đó, để đảm bảo mục tiêu chính sách, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thiết kế chính sách theo hướng chọn lọc một số thương hiệu nông sản Việt Nam có tiềm năng (theo tiêu chí) và sẽ hỗ trợ các chi phí, hoạt động để phát triển thương hiệu. Việc đo lường hiệu quả có thể đặt theo các tiêu chí cụ thể như sản lượng/chất lượng, số lượng kênh phân phối và doanh thu” - VCCI góp ý./.

Cùng chuyên mục
  • Đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật
    13 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó rút ngắn thời gian ban hành luật.
  • Minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền
    13 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền, làm rõ điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức, người được phân cấp, bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.
  • Cân nhắc mở rộng đối tượng doanh nghiệp được đăng ký thành viên Trung tâm tài chính
    13 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng đối tượng doanh nghiệp được phép đăng ký thành viên của Trung tâm tài chính.
  • Góp ý xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy
    14 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá các quy định về cơ bản đã đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể, minh bạch và hợp lý, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục cân nhắc, xem xét thêm.
  • Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2025
    27 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2025.
Cân nhắc một số chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam