Cân nhắc việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón

(BKTO) - Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với mặt hàng phân bón có thể tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp.

fa11890e-aa67-409c-a534-9e537c83ca33.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Người nông dân sẽ phải chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán

Chiều 17/6, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về nội dung này. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận là việc Dự thảo Luật quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) đề nghị cần hết sức cân nhắc quy định này. Đại biểu phân tích, bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu, có tính trung lập kinh tế cao, thể hiện ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế. Do vậy, thuế GTGT không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, mà chỉ đơn thuần là một khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, thuế GTGT không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh, bởi tổng số thuế ở tất cả các giai đoạn luôn bằng số thuế tính trên giá bán ở giai đoạn cuối cùng bất kể số giai đoạn nhiều hay ít. Người tiêu dùng cuối cùng (ở đây là người nông dân, người sản xuất nông nghiệp) là đối tượng chịu thuế GTGT, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.

1966c0a7c69b65c53c8a.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Mặt khác, theo quy định của Luật giá, phân bón (phân đạm, phân DAP, phân NPK) là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng.

Đại biểu Trung cũng chỉ rõ, Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính nêu: “việc chuyển phân bón đầu vào cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp”.

Theo đại biểu, trong trường hợp phân bón là sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào 5% (tương ứng với phần thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu sản xuất, không tính vào chi phí sản xuất) có thể làm giảm giá thành sản phẩm, tuy nhiên lại làm tăng 5% tiền thuế GTGT mà người tiêu dùng trực tiếp phải trả trên mỗi sản phẩm phân bón tiêu dùng. “Điều này không đảm bảo sẽ không làm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp đầu ra, do người nông dân vẫn phải tính toán giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên tổng chi phí đã bỏ ra, không hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp” - đại biểu Trung nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng, trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón chưa được hợp lý.

Tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón. Trường hợp cần thiết hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên có thể áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón, do phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta nên có thể áp dụng ưu đãi thuế ở mức độ cao hơn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, nếu tăng thuế GTGT lên 5% đối với phân bón nhập khẩu vào giá bán sẽ cao hơn mức hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu, nhưng ở góc độ người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất. Vì vậy, đại biểu cho rằng không nên áp dụng quy định này. “Coi trọng nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế thì phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho rằng quy định sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hơn là doanh nghiệp nhập khẩu.

Trước đó, thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế

Góp ý vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP. Hà Nội) bày tỏ lo ngại về vấn đề hóa đơn giả. Đại biểu cho rằng, vấn đề hoàn thuế GTGT dẫn đến lợi ích rất lớn nên việc làm giả hóa đơn nhằm hoàn thuế gây thiệt hại lớn đến hàng nghìn tỷ đồng. “Cần có giải pháp cụ thể hơn đối với vấn đề này, nếu chỉ quy định như Dự thảo Luật sẽ khó đạt được mục tiêu phòng, chống làm giả hóa đơn” - đại biểu nói.

8f711314952836766f39.jpg
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Trung phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Trung (Đoàn Bình Phước) cho rằng, Dự thảo Luật còn “thiếu vắng” các quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong quản lý hóa đơn thuế GTGT, nhất là với những vấn đề như hoàn thuế khống, hóa đơn khống và nhiều vấn đề trong phát hành hóa đơn.

Theo đại biểu, trong thực tiễn có câu chuyện doanh nghiệp (DN) hoặc người dân mua hàng vào thời điểm mà hóa đơn GTGT do người bán xuất ra là hợp pháp. Khi DN khấu trừ thuế thì cũng đã kiểm tra, xác thực hóa đơn đó. Nhưng sau đó DN phát hành hóa đơn biến mất hoặc bị chế tài từ cơ quan quản lý thì cơ quan thuế quay lại phát người mua hàng. “Đây là việc thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế chứ không phải trách nhiệm của người mua hàng, người thụ hưởng hóa đơn. Đây là điều rất bất cập, gây bất an cho doanh nghiệp, người dân” - đại biểu Huỳnh Thành Trung nói và đề nghị đây là điều cần phải tính toán trong sửa Luật Thuế GTGT lần này. “Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế ở đâu khi công nhận hóa đơn, phát hành hóa đơn và giám sát hóa đơn đó, cần phải được quy định rõ. Trong trường hợp DN chấp nhận hóa đơn và thanh toán hóa đơn đó, DN có cơ sở dữ liệu thì cơ quan thuế phải có điều kiện để DN xác thực. Nếu xác thực đó đã được thực hiện một cách hợp pháp thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm” - đại biểu đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP. Cần Thơ) đề nghị Dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Theo đại biểu, Luật Quản lý thuế đã quy định về thủ tục hoàn thuế, trong đó quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục hoàn thuế. Tuy nhiên, việc giải quyết hoàn thuế GTGT còn nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quản lý thuế mới chỉ quy định người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm của công chức thuế khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Vì vậy, để bảo đảm việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế được kịp thời, tăng cường hậu kiểm sau hoàn thuế, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Dự thảo Luật thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo hướng cơ quan thuế chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế; người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ hoàn thuế và vi phạm (nếu có).

Cùng chuyên mục
Cân nhắc việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón