Cần nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững

(BKTO) - Nhiều câu hỏi chất vấn về giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chiều 04/6.

bt-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao nhưng còn bất cập, hạn chế

Báo cáo về giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối; tạo việc làm; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 124 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng 15,1%.

Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,6% so với năm 2022 nhưng đã dần phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm. Cả năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 28 tỷ USD.

Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 phục hồi ở cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (tăng 25,7% so với cùng kỳ). Trong đó thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, gạo tăng 33,6%.

Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%.

Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường phục hồi tốt, trong đó: xuất khẩu sang ASEAN tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%. Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa, tăng trưởng tại nhiều thị trường mới như châu Phi, Bắc Âu, Tây Á trong năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức 8,4 tỷ USD.

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 03 Hiệp định và 01 khung khổ kinh tế, đó là Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.

Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) và đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chi phí logistics chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá thành hàng hóa làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp.

db-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VPQH

Trả lời những vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan, sửa đổi Nghị định miễn thuế GTGT, có cơ chế chính sách ràng buộc các doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến.

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi chung về thuế cho DN để có thể xây dựng được kho bãi, trung tâm logistics ở khu vực biên giới; đề xuất các địa phương nên dành quỹ đất hợp lý để hỗ trợ các DN xây dựng các kho ngoại quan, hạ tầng logistics để có thể đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Cùng với việc chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng khuyến khích các DN quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa…

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, hoạt động xuất khẩu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đồng thời trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, vẫn phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

db-mai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: VPQH

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương có trách nhiệm trong việc góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN Việt Nam. Với nhận thức đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để phát triển dịch vụ logistics, giúp DN giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh và đạt được một số kết quả đáng chú ý.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế. Đó là nhận thức về vai trò, ví trí của logistics còn khác nhau dẫn đến việc triển khai không đồng bộ; một số quy định còn chồng chéo và chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển logistics trong giai đoạn tới, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế; phát triển dịch vụ logistics gắn liền với phát huy tối đa lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên của mỗi vùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế.

Bộ sẽ Xây dựng đội ngũ nhân lực logistics đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong tương lai; phối hợp với Hiệp hội Logistics xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh; chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực logistics, thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, kịp thời khuyến cáo để các địa phương, hiệp hội chủ động phòng ngừa rủi ro, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển thị trường, kết nối các DN logistics và DN sản xuất, xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững, trước hết cần đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng những ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để các Hiệp hội ngành hàng, các DN hiểu đúng, hiểu rõ hơn các quy định để được hưởng ưu đãi nhằm giúp các DN tận dụng tốt hơn. Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với diễn biến thực tế và kinh nghiệm quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để thúc đẩy xuất khẩu, cần hỗ trợ các DN sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định, giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các DN FDI - đặc biệt là những DN lớn kết nối chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị cho DN trong nước. Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN khai thác các ưu đãi từ các FTA và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử, tiếp tục đàm phán các hiệp định FTA mới nhằm khai mở thị trường cho các DN.

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ thông tin cảnh báo và hướng dẫn DN ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài./.

Cùng chuyên mục
Cần nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững