Đầu tư công nhiệm kỳ tới phải rất quan tâm tới lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải

(BKTO) - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, sáng 04/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, vấn đề xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp, làng nghề lại làm “nóng” nghị trường với nhiều câu hỏi lớn...

1(2).jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn sáng 04/6. Ảnh: VPQH

5 giải pháp xử lý nước thải các khu, cụm công nghiệp, làng nghề

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu câu hỏi: Việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải lớn là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc quản lý ô nhiễm nguồn nước.

Tuy nhiên, theo Báo cáo 124 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên phạm vi cả nước, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý mới đạt 17%, mới có 30,3% số cụm công nghiệp và 16,1% các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp căn cơ nào trong thời gian tới để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề cũng như nước thải sinh hoạt.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay: Đúng như thực trạng và trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như đại biểu đã trao đổi, hiện nay, tỷ lệ xử lý nước thải rất thấp, đặc biệt là nước sinh hoạt đô thị, nông thôn, cụm công nghiệp, làng nghề. Bởi vậy, chúng ta cần một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, về đảm bảo tổng thể, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch, một lộ trình, đầu tư đồng bộ về hạ tầng liên quan đến xử lý nước thải. Việc này đòi hỏi nguồn lực, thời gian và sự quan tâm của địa phương, của bộ, ngành tập trung trong việc thời gian tới chúng ta sẽ quan tâm đến việc xử lý.

Thứ hai, về thể chế, chính sách, chúng ta phải hoàn chỉnh thể chế, chính sách, trong đó có hợp tác công - tư. Xử lý nước thải phần thu gom, phần nhà máy xử lý thì hợp tác công - tư để đảm bảo thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong việc đầu tư.

Thứ ba, sẽ ban hành đơn giá dịch vụ về xử lý nước thải. Chúng ta phải có giá dịch vụ hợp lý, phù hợp để các doanh nghiệp tính toán được, sẽ tham gia trong việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải.

Thứ tư, về việc tăng cường công tác quan trắc, giám sát, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng đang tiếp tục đầu tư hệ thống, quan tâm giám sát các nguồn xả thải và kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường, kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Vừa qua, chúng tôi vừa khánh thành một trung tâm tổng hợp, xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các nguồn xả thải lớn, từng bước sẽ cập nhật, phân tích, xử lý, kiểm tra và giám sát việc này” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin.

Thứ năm, về tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp rất tốt với địa phương, Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là việc cố tình xả thải ra môi trường, không đạt yêu cầu đối với các hệ thống đã được đầu tư nhưng xả thải không đạt yêu cầu xử lý rất nghiêm.

Năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán: Hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh Long An, Tây Ninh; Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề của các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

4(2).jpg
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi tại Nghị trường. Ảnh: VPQH

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá sức chịu tải của các dòng sông

Liên quan đến ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp. Đây là vấn đề đã nêu qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng, đánh giá thế nào về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều thì xử lý nước thải càng ít và tình trạng đô thị thì xả thải, nông thôn thì gánh chịu ô nhiễm. Thứ hai, Bộ đã xử lý trường hợp vi phạm nào chưa? Thứ ba, ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông thì Bộ sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn và bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy nhiều năm gần đây ô nhiễm chưa được cải thiện, đặc biệt là các sông đầu nguồn nội thành của Hà Nội. Ô nhiễm của sông Nhuệ - Đáy, nguồn thải của Hà Nội chiếm 65%, trong đó nước thải sản xuất và làng nghề. Toàn sông Nhuệ - Đáy có khoảng 1.982 nguồn xả thải, trong đó có 1.662 nguồn thải có cơ sở sản xuất, kinh doanh và 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hiện nay, có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước mặt, ngoài ra các điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa khánh thành trung tâm dữ liệu sẽ kết nối về đây để chúng tôi kiểm tra, giám sát” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đánh giá sức chịu tải của các dòng sông. Bộ đang kiểm tra để đánh giá sức chịu tải của các dòng sông với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương, kể cả những dòng sông chưa ô nhiễm nghiêm trọng Bộ vẫn phải đánh giá sức chịu tải.

“Một dự án chúng ta được xả thải cột A, vùng đó 5-10 dự án cùng nhau xả thải cột A, cộng lại thì dòng sông vẫn gánh chịu tổng hợp lại của các chất thải, cho nên việc đánh giá sức chịu tải của dòng sông là rất quan trọng. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang làm” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh: “Về việc thu gom, xử lý, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch và phải có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, chung sức, đồng lòng để cùng xử lý nguồn thải, tạo được dòng chảy. Nam Định là cuối nguồn, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực”.

Theo đó, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị phải có ý thức tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

“Có kiểm tra, giám sát đến mấy cũng không thể sửa hết được, vấn đề là ý thức của doanh nghiệp, ý thức người dân khi chúng ta đảm bảo được môi trường. Đó là sự bền vững, phát triển lâu dài. Tôi đề nghị các địa phương nâng cao công tác tuyên truyền” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Bên cạnh đó, đầu tư công của chúng ta trong nhiệm kỳ tới phải rất quan tâm tới lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải và cả hệ thống thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng ta phải tổ chức đồng bộ, trong đó có việc tổ chức lưu vực sông cùng với công tác điều hành, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện./.

Cùng chuyên mục
Đầu tư công nhiệm kỳ tới phải rất quan tâm tới lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải