Cần quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp

(BKTO) - Ngày 10/3, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các thành viên Hội đồng cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp.

1qwe.png
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: mattran.org.vn

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng cho rằng: Các quy định về giá bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không nên giao cho chính quyền cấp tỉnh quyết định mà phải có sự đồng thuận của người bị thu hồi đất nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, từ đó giúp tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trên thực tế về thu hồi đất còn tồn tại trong nhiều năm qua.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp. Giá đất áp dụng với từng mục đích, từng trường hợp khác nhau, không nên áp dụng chung một bảng giá đất cho tất cả các loại đất.

Vì vậy, việc quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng bảng giá đất phù hợp để thống nhất áp dụng trên thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch và cân bằng quyền của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân sử dụng đất và doanh nghiệp. Các nội dung trong Dự thảo phải tăng cường tính dân chủ trực tiếp của người dân để người dân trực tiếp sử dụng đất được tham gia vào quá trình quy hoạch, sử dụng và đền bù đất, bất cứ công đoạn nào người dân đều được tham gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng tại Hội nghị, báo cáo của Hội đồng Tư vấn về Kinh tế cho biết: Năm 2022, Hội đồng đã tham mưu 55 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành; tham gia phản biện về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đóng góp ý kiến phản biện xã hội một số lĩnh vực dự án Luật và các chính sách có liên quan đến lĩnh vực kinh tế...

Năm 2023, Hội đồng tiếp tục tham gia xây dựng, góp ý và phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật khác theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam…/.

Cùng chuyên mục
Cần quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp