Cần sự phối hợp để giải quyết vấn đề cung ứng xăng dầu khẩn trương, hiệu quả

(BKTO) - Bộ Công Thương vừa có công văn gửi tới các Bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các công ty lọc hóa dầu (Nghi Sơn, Bình Sơn), UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.

vov.jpg
Cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Ảnh minh họa: VOV

Cụ thể, trong văn bản gửi tới Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của nguồn cung và giá cả xăng dầu thế giới, thời gian gần đây, có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cung ứng kịp thời nguồn xăng dầu cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Đối với hai thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Bộ Công Thương cũng nêu rõ những yêu cầu để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước.

Cụ thể, hai đầu mối này cần duy trì hoạt động sản xuất ổn định, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Cùng với đó là có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với Nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ.

Đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Những vấn đề tương tự này cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi thực hiện công tác chỉ đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu PVN chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tổng công ty và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Tổng công ty.

Song song với đó là chia sẻ nguồn cung, chiết khấu cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, ngày 04/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương.

Cũng trong ngày 04/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp mà đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành để giải quyết các vấn đề một cách khẩn trương, hiệu quả.

Cùng chuyên mục
Cần sự phối hợp để giải quyết vấn đề cung ứng xăng dầu khẩn trương, hiệu quả