Gia Lai: Doanh thu, lượng khách du lịch không ngừng tăng nhanh

Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-Ctr/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

images2740289_n.jpg
Du khách tham quan tại Biển Hồ, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 43-Ctr/TU, các hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước được đẩy mạnh. Công tác xã hội hóa phát triển ngành du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ sở vật chất du lịch từng bước được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Giai đoạn 2017-2021, tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch hơn 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác nhanh cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư ở các địa bàn trọng điểm.

Tốc độ phát triển ngành du lịch có sự chuyển biến rõ nét, doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm. Giai đoạn 2017-2019, du lịch có sự tăng trưởng nhanh (vượt mục tiêu của Chương trình số 43-CTr/TU đề ra là 15 đến 18%/năm), tổng lượt khách tăng bình quân 27,8%/năm; tổng thu du lịch tăng 22,6%/năm. Riêng năm 2019, tổng lượt khách đạt 845.000 lượt, khách nội địa 830.000 lượt, khách quốc tế 15.000 lượt; tổng thu du lịch năm 2019 đạt 510 tỷ đồng. Trong năm 2020 và năm 2021, hoạt động du lịch sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Năm 2022, Gia Lai đặt mục tiêu thu hút 850.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 3.000 lượt, khách nội địa 847.000 lượt; tổng thu du lịch phấn đấu 500 tỷ đồng. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch; thu hút đầu tư vào các dự án du lịch tạo điểm nhấn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm tham quan; khai thác hiệu quả du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng của tỉnh...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, Gia Lai có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua vẫn còn hạn chế. Do đó, Bí thư Hồ Văn Niên đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vai trò, vị trí của du lịch trong định hướng phát triển của tỉnh và của từng địa phương; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong quảng bá, xúc tiến, quản lý nhà nước về du lịch cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và doanh nhân; bố trí nguồn lực hợp lý cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển du lịch.

Đồng thời tăng cường kết nối, thực hiện các chương trình hợp tác trong du lịch giữa các địa phương; rà soát, nghiên cứu chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào các dự án ở các lĩnh vực lợi thế; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động du lịch và xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch để tăng khả năng tiếp cận và kết nối các điểm du lịch. Các địa phương cần tăng cường tính chủ động trong phát triển du lịch; phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca truyền thống... , lấy tiềm năng, lợi thế để làm du lịch và từ du lịch tạo ra giá trị cả về vật chất, tinh thần.

Cùng chuyên mục
Gia Lai: Doanh thu, lượng khách du lịch không ngừng tăng nhanh