Sứ mệnh làm lớn mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt

(BKTO) - Hầm đường bộ Đèo Cả không chỉ chứng minh người Việt đủ năng lực chinh phục những kỹ thuật phức tạp về khoan hầm xuyên núi mà còn thể hiện tầm nhìn xa của những người làm ra nó khi hệ thống hầm này tới đây sẽ kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam - đại dự án mang sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

1_20230618185250.jpg
Lễ khánh thành dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm do Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh quản lý và thể hiện dấu ấn của Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: ST

Đây được ví như hình mẫu thành công trong triển khai thi công dự án giao thông trọng điểm và là sản phẩm rất đáng chú ý của mối quan hệ hợp tác Nhà nước và Doanh nghiệp theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đi vào cuộc sống từ ngày 01/01/2021 với những hạn chế, bất cập nảy sinh chưa được sửa đổi cho phù hợp đã ảnh hưởng đến việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng.

Hầm Đèo Cả - điểm sáng nổi bật của PPP

Luật PPP ngay từ khi được ban hành đưa vào áp dụng thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập khiến cho các dự án thực hiện theo mô hình đối tác công tư chững lại. Thực tiễn cho thấy, khi chưa có Luật PPP, một dự án được thực hiện theo hình thức BOT đã rất thành công. Đó là dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. Dự án này đã chứng minh được 3 ưu điểm vượt trội so với các dự án đầu tư công trước đó là: Rút ngắn tiến độ, đảm bảo chất lượng và tiết giảm tổng mức đầu tư.

dji_0613-compressed.jpg
Hầm đường bộ Đèo Cả - công trình thế kỷ, khẳng định dấu ấn doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo. Ảnh: ST

Là người gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả từ khi ở trong liên danh nhà đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, ông Dương Ngọc Quang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội nhớ lại, thời điểm khởi đầu thực hiện công trình hầm đường bộ nối Khánh Hòa - Phú Yên, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 21.000 tỷ đồng, được đầu tư trong bối cảnh khung pháp lý về đối tác công - tư còn rất sơ sài.

Hầm Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng và được đưa vào khai thác năm 2017. Đây là công trình hầm xuyên núi được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ trong nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của người Việt ở lĩnh vực mới mà trước đây luôn phụ thuộc vào nước ngoài. Công trình hầm đường bộ Đèo Cả được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Phú Yên và cả nước, là công trình trọng điểm trên tuyến giao thông Bắc - Nam.

Hầm đường bộ Đèo Cả không chỉ chứng minh người Việt đủ năng lực chinh phục những thách thức kỹ thuật phức tạp về khoan hầm xuyên núi mà còn thể hiện tầm nhìn xa của những người làm ra nó khi hệ thống hầm này tới đây sẽ kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam - đại dự án mang sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước mà Đảng, Chính phủ, Bộ ngành, nhà đầu tư, nhà thầu và người dân đang cùng nhau gấp rút hoàn thành trong vài ba năm tới đây.

Sau mốc 2021, PPP được gỡ gạc phần nào khi Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được tham gia làm nhà đầu tư dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, một dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Mặc dù là dự án có thời gian đàm phán hợp đồng BOT kéo dài nhất trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức PPP, Cam Lâm - Vĩnh Hảo lại được coi là “điểm sáng” khi thu xếp xong nguồn vốn với việc tiết giảm 1.000 tỷ đồng phần vốn Nhà nước bằng công thức huy động vốn 3P. Trong đó, P1 là vốn nhà nước, P2 là vốn chủ sở hữu và P3 là vốn huy động động bao gồm vốn tín dụng và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Trong cùng thời điểm đó, hai dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm vẫn chưa gỡ được nút thắt về vốn và có nguy cơ phải hủy hợp đồng BOT vì quá thời hạn ký hợp đồng tín dụng.

PPP++ là gì?

Tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, việc huy động vốn bằng mô hình PPP++ là mô hình sáng tạo. Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn NSNN 70% đối với dự án này đã xác tín việc Tập đoàn Đèo Cả kiên định đeo đuổi tìm cách tháo gỡ các khó khăn do cơ chế chính sách bất cập, sự quay lưng của ngân hàng và một số doanh nghiệp đi cùng. Đèo Cả giải quyết thành công việc huy động vốn là khâu then chốt quan trọng nhất để Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai được. Thành công này không chỉ tạo nền tảng bền vững cho định hướng phát triển mà còn cho thấy sự kiên định đã trở thành một giá trị mà doanh nghiệp này gây dựng nên.

dong-dang.jpg
Tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, việc huy động vốn bằng mô hình PPP++ là mô hình sáng tạo. Ảnh: ST

Mô hình PPP++ là giải pháp Tập đoàn Đèo Cả đưa ra để huy động nguồn vốn cho dự án từ vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Thông qua việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.

P1++ là phần vốn NSNN đóng góp bao gồm vốn NSTW và vốn NSĐP với tỷ lệ vốn Nhà nước góp trên 50%

P2++ là vốn chủ sở hữu đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

P3++ vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BBC, nguồn vốn nước ngoài…

Bên cạnh đó, các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC). Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Để huy động các doanh nghiệp khác cùng tham gia đầu tư vào dự án, Đèo Cả phân cấp nhà đầu tư kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau.

Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước bỏ ra đến 70% vốn thì nên xem lại cơ cấu vốn của đối tác công - tư. Vấn đề này cần được cân nhắc trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, thông qua đầu tư huy động vốn xã hội đã tiết kiệm cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án, đồng thời tạo ra môi trường tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn lên khi có cơ hội đứng ra quản trị, điều hành, thực hiện và nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với các công trình tầm vóc của đất nước.

Tại lễ khởi công dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã kiên trì với tinh thần tiến công vượt lên những khó khăn về kỹ thuật, pháp lý, nguồn vốn, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc khi tham gia vào dự án. Thủ tướng đánh giá cao Đèo Cả sáng tạo áp dụng mô hình PPP++ được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đầu tư, thi công các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam của doanh nghiệp này.

Khi doanh nghiệp mang sứ mệnh “mở đường”, song bị vướng bởi cơ chế, chính sách…

Nghịch lý đang xảy ra khi một đạo luật được ban hành để là “kim chỉ nam” cho các hoạt động thực tiễn thì đối với PPP, thực tiễn đang phải chật vật “mở đường” chờ ngày luật được điều chỉnh, cập nhật đi vào cuộc sống.

ong-ho-minh-hoang-chu-tich-tap-doan-deo-ca-bao-cao-thu-tuong-ve-hai-du-an-vua-duoc-khanh-thanh..jpg
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả báo cáo Thủ tướng về tiến độ triển khai dự án. Ảnh: ST

Không thể “đóng băng” hoạt động đầu tư, ngồi chờ đến khi một cơ chế hoàn thiện rồi mới chuyển động, Đèo Cả đã chủ động hội kết một cộng đồng doanh nghiệp đồng hành ngày càng lớn mạnh với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh hơn sau khi đồng hành trong mô hình huy động vốn của Đèo Cả. Đơn cử như Công ty Đồng Thuận Hà (vừa là nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu trong liên danh thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo) cho biết, Đèo Cả có sự quyết tâm, cách tổ chức quản trị hiệu quả và luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, chấp nhận rủi ro cho mình, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, nhà thầu khác được đồng hành. Tại hội nghị nhà thầu chuẩn bị cho công tác đấu thầu dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, đại diện Đồng Thuận Hà cho biết, họ sẵn sàng cùng Đèo Cả với mô hình huy động vốn này thực hiện dự án nói trên.

Đánh giá việc huy động từ ngân hàng, ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Thăng Long (TP Bank) cho biết: Tập đoàn Đèo Cả là đối tác chiến lược tin cậy của TP Bank. Ngân hàng này đã cấp cho Tập đoàn Đèo Cả hạn mức khoảng 5.000 tỷ đồng. Đối với dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, TP Bank đã thẩm định và trình cấp hạn mức tín dụng 2.500 tỷ đồng để Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đầu thấu đầu tư dự án. Ông Đức cho biết, việc cấp hạn mức như trên đến từ nhìn nhận thực tiễn cách triển khai các dự án đầu tư PPP của Tập đoàn Đèo Cả, ngay cả những dự án có vướng mắc hình sự trước đó, dịch bệnh covid hay các nhà thầu yếu kém đều được xử lý mạch lạc và nhân văn. Kết quả đã được minh chứng thông qua các sản phẩm cụ thể là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận…

Trong rất nhiều khó khăn, PPP vẫn được sáng tạo và cần thêm cơ chế khuyến khích từ phía Nhà nước để huy động nguồn lực xã hội, mở ra cơ hội xây dựng những cung đường mới, sau Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc… và nhiều tuyến cao tốc khác nữa./.

Cùng chuyên mục
Sứ mệnh làm lớn mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt