Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) cho biết, qua khảo sát, ghi nhận ý kiến và kiến nghị của các DN trên địa bàn thành phố cho thấy, DN còn gặp khó khăn trong hoạt động.
Theo đó, DN gặp khó trong việc tuyển dụng lao động phổ thông và tay nghề nhất là lao động có trình độ tiếng Trung Quốc, Ðức và Nhật; thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiện nay vẫn còn mất thời gian vì vừa khai báo trên hệ thống điện tử và vừa phải nộp lại bộ hồ sơ giấy cho bộ phận cấp C/O tốn kém chi phí đi lại; việc thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) gặp khó khăn về cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) trên hệ thống phần mềm.
Ngoài ra, DN còn phản ánh giá thuê đất khu công nghiệp chưa hợp lý; nguy cơ mất trật tự và an toàn giao thông tại các khu công nghiệp; cần hỗ trợ vị trí thuê đất tại khu công nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh tiến độ triển khai, thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải Ðịnh An - Sông Hậu…
Trước đó, tại tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, thông tin với DN về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và kiến nghị của DN, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 trong năm qua vẫn còn nặng nề, khi tiếp tục gây ra sức ép cho mọi mặt đời sống xã hội, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, biến đổi khí hậu, thiên tai… làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống người dân.
Trong tình hình đó, UBND thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HÐND thành phố, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thừa nhận, có 3 vấn đề địa phương vẫn rất băn khoăn, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu 7,5-8% như nghị quyết năm đã đề ra; quy mô nền kinh tế vẫn không tăng nhiều hơn so với những năm trước và giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế.
Do vậy, lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp, thậm chí đón nhận phê bình mang tính chất xây dựng từ DN, các tổ chức, hiệp hội để địa phương có giải pháp hiệu quả đưa kinh tế thành phố phát triển hơn./.