Quá trình cơ cấu lại DNNN hiện vẫn chưa đi vào thực chất. Ảnh: TS
Trình bày kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua, TS. Đinh Trọng Thắng - Trưởng ban Chính sách đầu tư (CIEM) - đánh giá, trong giai đoạn 2015-2020, định hướng chính sách tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu nhấn mạnh vào cơ cấu tài sản như chuyển khối tài sản và dòng tài sản từ hoạt động kinh doanh, trợ cấp ngành sang đầu tư hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội; từng bước nâng cao hiệu quả và giá trị của khối tài sản do Nhà nước quản lý như tăng tỷ suất lợi nhuận của khu vực DNNN. Hiện nay, khối tài sản do Nhà nước quản lý vẫn rất lớn, với giá trị khoảng 600 tỷ USD. Trong đó, DNNN có tổng tài sản 300 tỷ USD; các thành phần khác gồm đất trồng lúa, hạ tầng giao thông, khoáng sản, giá trị mỗi thành phần khoảng 100 tỷ USD.
Đại diện của CIEM nhận định, cải cách thể chế mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các nghị quyết và chỉ đạo chung. Vì thế, quá trình cơ cấu lại DNNN chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đặt ra. Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Vấn đề đáng lo ngại nữa là nợ xấu của hệ thống ngân hàng tuy có giảm nhưng chưa thực chất. Tổng số nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng tín dụng…
Phân tích sâu về các tồn tại và hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua, TS. Đinh Trọng Thắng nhấn mạnh, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá kết quả trực tiếp và gián tiếp của quá trình tái cơ cấu đều không có tiến triển trong năm 2016.
Dưới quan điểm của TS. Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế - thì cấu trúc kinh tế của Việt Nam có vấn đề ở mọi lĩnh vực, từ quá trình phân phối lần đầu đến quá trình phân phối lại. Do đó, không nên sửa chữa ở một khâu nào mà cần làm đồng thời ở toàn bộ các khâu. Hiện nay, tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà cần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm, cần phải sửa cấu trúc theo hướng đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.
Nhìn nhận và đánh giá những rào cản trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp từ góc độ thể chế thị trường đất đai và cạnh tranh lành mạnh, TS. Nguyễn Đỗ Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng, quy định của pháp luật về phát triển thị trường đất đai gần như không thay đổi, các rào cản trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ.
Cải cách phải hướng tới công khai, minh bạch, hiệu quả
Mục tiêu tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 được đặt ra là nâng cao năng suất, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển là Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines. Tỷ trọng đầu tư của Nhà nước giảm từ 31-34% tổng đầu tư toàn xã hội. Nợ xấu giảm xuống dưới 3%. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên đạt 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
Từ định hướng trên, đại diện cho CIEM, TS. Đinh Trọng Thắng đã đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của khối tài sản nhà nước đang quản lý giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Chính phủ cần dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế như tăng sức cạnh tranh của thị trường; cải thiện năng lực sản xuất, hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực. Cắt giảm chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, logistics, chi phí đất đai và từng bước giảm lãi suất ngân hàng. Đồng thời, Nhà nước cần bãi bỏ cơ chế độc quyền, đặc quyền do thể chế tạo ra.
Đáng chú ý, CIEM còn kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế với sứ mệnh tập trung thúc đẩy tái cơ cấu và năng suất tổng thể nền kinh tế. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ được Chính phủ phê duyệt chương trình hoạt động; có vị thế độc lập so với các Bộ, ngành; có ngân sách và nhân lực hoạt động chuyên trách. Các Bộ, ngành phải có trách nhiệm giải trình với Ban chỉ đạo Quốc gia về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, tiêu biểu như đề xuất thay đổi cách thức điều hành và quản lý kinh tế, trong đó chuyển trọng tâm điều hành hướng vào tăng năng suất để tăng trưởng thịnh vượng và phúc lợi xã hội. Cơ quan quản lý chuyển dần việc ban hành nghị quyết theo hướng điều hành như hiện nay, sang hướng ban hành nghị quyết mang tính chuyên đề, xác định các nhiệm vụ ưu tiên cải cách trong từng năm. Các địa phương cần điều hành hướng vào cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng dịch vụ, phục vụ nhân dân và DN.
Hơn nữa, nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện hiệu quả mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế thì cần đảm bảo một số tiêu chí như số liệu phải chính xác, minh bạch, công khai, tránh bị bóp méo và cần phải đặc biệt lưu ý đến các chỉ tiêu về chất lượng, năng suất lao động, môi trường.
Theo Tuần Báo ra ngày 13-7-2017