Chưa có khung năng lực quốc giacho lĩnh vực kế toán, kiểm toán
Theo Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) lĩnh vực kế toán, kiểm toán, những năm 2000 trở về trước, ngành kế toán, kiểm toán chủ yếu được đào tạo ở một số trường đại học, cao đẳng khối kinh tế, với khoảng 8.000 - 10.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng DN mới thành lập tăng nhanh khiến nhu cầu lao động về kế toán tăng mạnh và nhiều trường ngoài khối kinh tế cũng đã tổ chức đào tạo ngành kế toán, kiểm toán. Hằng năm, có từ 50.000 - 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành này ra trường, tham gia vào thị trường lao động.
Bên cạnh đó, các loại hình đào tạo khác về kế toán, kiểm toán cũng có sự phát triển mạnh trong thời gian gần đây để đáp ứng nhu cầu đào tạo lại, cấp chứng chỉ chuyên môn, đào tạo bồi dưỡng. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức nghề nghiệp được thừa nhận trên phạm vi quốc tế như: Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia), Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (CIMA)… Cùng với đó, hoạt động đào tạo kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề đã được Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thực hiện hơn 15 năm qua, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.
Tuy nhiên, chúng ta đang vấp phải một thách thức rất lớn, đó là chưa xây dựng được khung năng lực quốc gia cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây là thách thức đặt ra cho công tác quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo ở các cấp độ khác nhau. Mặc dù Việt Nam chưa có đánh giá, phân loại một cách chính thức nhưng các cơ sở có đào tạo ngành kế toán, kiểm toán ở nước ta hiện nay được chia thành 2 khuynh hướng: đào tạo theo định hướng hàn lâm/nghiên cứu và đào tạo theo hướng thực hành. Việc lựa chọn định hướng chi phối mạnh đến nhận thức, chủ trương, mục tiêu, phương pháp tổ chức và chương trình đào tạo ngành kế toán, kiểm toán.
Thực tế cho thấy, cách tiếp cận đào tạo kế toán ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam vẫn thiên về kỹ thuật theo hướng tuân thủ các quy định của chế độ kế toán, kiểm toán, đặc biệt là quá coi trọng việc đào tạo các kỹ thuật hạch toán, ghi sổ. Việc đào tạo các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, kiểm toán đã được một số trường tiếp cận song chưa mang tính phổ biến. Tính liên kết, liên thông của các cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp và đơn vị sử dụng nhân lực còn yếu. Bên cạnh đó, rào cản về kỹ năng công nghệ thông tin, tư duy tổng hợp, phân tích chuyên sâu và trình độ ngoại ngữ cũng là một thách thức đáng kể đối với kế toán viên, kiểm toán viên trong lộ trình hội nhập. Với thực trạng hiện nay, thách thức này cần có sự nỗ lực lớn và thời gian khá dài để vượt qua.
Xây dựng khung năng lực quốc gia, tạo tiền đề cho đổi mới đào tạo
Thực tế trên đặt ra cho Việt Nam yêu cầu cấp thiết xây dựng khung năng lực quốc gia về kế toán, kiểm toán. Đây sẽ là định hướng cho hoạt động của các cơ sở đào tạo. Theo đó, khung năng lực quốc gia về kế toán, kiểm toán cần được xây dựng theo hướng phù hợp tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế (có thể tham chiếu khung năng lực của Liên đoàn Kế toán quốc tế) và đảm bảo thích ứng với tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên cơ sở khung năng lực quốc gia, mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần được quy hoạch lại theo hướng phân tầng, xác định rõ phân khúc thị trường nguồn nhân lực phù hợp. Cụ thể: các trường đại học, cao đẳng tập trung đào tạo cơ bản mang tính nền tảng; các cơ sở đào tạo không chuyên sâu hướng đến đào tạo nguồn nhân lực kế toán đáp ứng nhu cầu cho khối các DN nhỏ và vừa và các dịch vụ kế toán cơ bản; các tổ chức nghề nghiệp tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, đào tạo phát triển chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp.
Đồng thời, Việt Nam cần đổi mới quan điểm, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng chú trọng hơn đến tư duy tổng hợp, kỹ năng xử lý công việc chuyên nghiệp, kỹ năng tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn kế toán, kiểm toán, đảm bảo khả năng hội nhập cao của nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, sự tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo cần gắn chặt với lộ trình phát triển chuyên môn của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, đảm bảo phối hợp toàn diện, có tính kế thừa, liên thông kiến thức, kỹ năng chuyên môn giữa đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học với bồi dưỡng, cập nhật, đào tạo theo các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước.
Điều quan trọng nữa là tư duy kế toán, kiểm toán phải trở thành tư duy nền tảng của quản lý, quản trị. Một khi nhận thức của xã hội về kế toán, kiểm toán được đầy đủ, vị thế, vai trò của kế toán, kiểm toán sẽ ngày càng được đề cao và phát huy. Trên cơ sở đó, công tác đào tạo sẽ nhận được sự quan tâm thỏa đáng, tạo tiền đề cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này.
N. LY(ghi)
PGS,TS. MAI NGỌC ANH - Trưởng Khoa Kế toán - Học viện Tài chính