Canada: Cần thắt chặt việc thanh, kiểm tra an toàn điện hạt nhân

(BKTO) - Các chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát hệ thống những nhà máy điện hạt nhân của Canada đang phải đối mặt với chỉ trích từ Ủy ban đặc trách về Môi trường và Phát triển bền vững của quốc gia do có nhiều thiếu sót trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở này làm dấy lên sự lo ngại về an ninh, an toàn hạt nhân ở Canada.




Nhà máy Điện hạt nhân Darlington ở Ontario, Canada Ảnh: ST

Trong bản Báo cáo kiểm toán môi trường hoàn chỉnh của Ủy ban đặc trách về Môi trường và Phát triển bền vững Canada phát hành ngày 04/10, bà Julie Gelfand - người đứng đầu Ủy ban- nêu rõ: “Chúng tôi kết luận, Ủy ban An toàn Hạt nhân Canada (CNSC) - cơ quan có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động an toàn của các nhà máy điện hạt nhân trên cả nước - đã không thể chứng minh rằng đơn vị thực hiện đủ các cuộc kiểm tra hiện trường tại các nhà máy điện hạt nhân”.

Ủy ban đặc trách về Môi trường và Phát triển bền vững Canada là cơ quan chính chịu trách nhiệm về giám sát, kiểm toán các vấn đề môi trường trong nước cho Chính phủ liên bang dưới sự quản lý của Văn phòng Tổng Kiểm toán Canada và đã từng 2 lần kiểm toán CNSC hồi năm 2000 và 2005.

Bà Gelfand cho biết, các chuyên gia chịu trách nhiệm đã có nhiều sơ suất trong quá trình giám sát, thanh tra hoạt động của các nhà máy như: Không tuân thủ các chỉ dẫn trong thanh, kiểm tra; không tuân thủ kế hoạch về số lượng và loại hình kiểm tra hiện trường để thẩm định việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý và cấp phép; chậm trễ trong việc cung cấp các kết quả thanh tra... Thực trạng này là không thể chấp nhận được đối với một ngành đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối - bà Gelfand nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, trong năm tài khóa 2013-2014 và 2014-2015, CNSC lẽ ra phải tiến hành tổng cộng 255 cuộc thanh tra, song tới thời điểm kiểm toán chỉ hoàn thành 76%. Lý do mà CNSC đưa ra là do thiếu chuyên gia kỹ thuật và thanh tra viên; do khó khăn trong đóng cửa lò phản ứng khi tiến hành thanh tra như đã hoạch định. Bên cạnh đó, 75% các cuộc kiểm tra an toàn tại cơ sở không tuân theo những chỉ dẫn đã ban hành và bà Julie Gelfand đã ví điều này nguy hiểm giống như việc một phi công không rà soát danh mục kiểm tra an toàn trước khi cất cánh.
Vấn đề an toàn hạt nhân ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới kể từ sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima - Nhật Bản năm 2011. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II, cùng với thảm họa Chernobyl trở thành 2 thảm họa hạt nhân duy nhất được xếp ở mức 7 - mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế. Canada hiện có 4 nhà máy điện hạt nhân với 19 lò phản ứng được đặt ở các tỉnh Ontario và New Brunwich, đáp ứng khoảng 17% nhu cầu điện năng của cả nước. Những nhà máy điện hạt nhân này hiện đang hoạt động và nằm dưới sự giám sát của CNSC.

Báo cáo kiểm toán đã đưa ra 5 khuyến nghị cho các chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát nhằm cải thiện hoạt động, trong đó phần lớn tập trung vào việc lập đủ hồ sơ và tiến hành các cuộc kiểm tra cơ sở. Đáp lại những chỉ trích của Ủy ban đặc trách, CNSC cho biết, cơ quan này ghi nhận những kết quả của cuộc kiểm toán và đang cố gắng giải quyết một số thiếu sót được phát hiện. Ông Michael Binder - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CNSC - cam kết sẽ hoàn tất các hành động khắc phục theo khuyến nghị kiểm toán chậm nhất là cuối tháng 3/2017. CNSC hiện đang cập nhật bản kế hoạch 5 năm và đánh giá lại việc phân bổ nhân sự, tần suất và loại hình các cuộc thanh, kiểm tra để đảm bảo tính tuân thủ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây cho biết, Chính phủ liên bang rất coi trọng vấn đề an toàn hạt nhân và sẽ nỗ lực để đảm bảo Canada duy trì được những tiêu chuẩn an ninh, an toàn hạt nhân cao nhất. Giới phân tích thì cho rằng, CNSC cần phải thực sự giám sát chặt chẽ lĩnh vực an ninh, an toàn hạt nhân thay vì chỉ liên tục tái khẳng định “điện hạt nhân Canada là an toàn”.

NGỌC QUỲNH
(TheoCBC và Wall Street Journal)
Cùng chuyên mục
Canada: Cần thắt chặt việc thanh, kiểm tra an toàn điện hạt nhân