(BKTO) - Trong bản Báo cáo kiểm toán công bố hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc quân đội Mỹ đã khai khống chi tiêu ngân sách quốc phòng với tổng số tiền lên đến 6.500 tỷ USD trong năm 2015. Những sai sót kế toán nghiêm trọng này được cho là xuất phát từ sự lỏng lẻo của quân đội Mỹ trong việc kiểm soát các hóa đơn, chứng từ hỗ trợ.
Bộ Quốc phòng Mỹ liên tục mua sắm những trang thiết bị mới cung cấp cho quân đội, nhưng không đưa vào sử dụng. Ảnh: ST
Theo Báo cáo kiểm toán này, chỉ tính riêng trong một quý của năm 2015, những điều chỉnh trong báo cáo các tài khoản kế toán đã sai lệch đến 2.800 tỷ USD và con số sai lệch này cho cả năm 2015 là 6.500 tỷ USD. Tất cả các khoản khai báo này đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Theo Jack Armstrong- cựu nhân viên của Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, thì việc khai báo chi tiêu mà không có chứng từ đã xảy ra từ trước khi ông nghỉ hưu vào năm 2010.
Báo cáo của Tổng Thanh tra kết luận, Báo cáo tài chính năm 2015 của quân đội Mỹ đã có những sai lệch nghiêm trọng, khiến Bộ Quốc phòng và các quan chức lãnh đạo trong quân đội Mỹ không thể dựa vào các số liệu kế toán khi đưa ra các quyết định về quản lý.
Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, bản báo cáo chủ yếu tập trung xem xét ngân quỹ chung của quân đội Mỹ, là 1 trong 2 tài khoản chính với tổng tài sản 282,5 tỷ USD trong năm 2015. Theo đó, các kiểm toán viên cáo buộc quân đội Mỹ đã để thất lạc nhiều dữ liệu quan trọng và nhiều dữ liệu khác bị cung cấp chưa chính xác. Suốt nhiều năm, Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ đã luôn không chấp nhận các báo cáo thường niên của quân đội vì xuất phát từ những khai báo không đáng tin.
Ngoài ra, Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cáo buộc chính Văn phòng Tài chính - Kế toán Bộ Quốc phòng Mỹ (DFAS) đã thực hiện việc thay đổi các con số một cách sai trái và đổ lỗi cho chương trình máy tính và nhân sự thiếu năng lực nên không phát hiện ra các sai sót. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra cũng cho rằng, DFAS không thể nào cho ra được một Báo cáo tài chính cuối năm chính xác về chi tiêu của quân đội Mỹ khi hơn 16.000 file dữ liệu đã biến mất khỏi hệ thống máy tính do lỗi phần mềm.
Được biết, quân đội Mỹ hằng năm ban hành hai báo cáo: một Báo cáo ngân sách và một Báo cáo tài chính. Báo cáo ngân sách được hoàn thành trước. Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, những con số làm giả được cho vào Báo cáo tài chính để khớp với Báo cáo ngân sách và chỉ trích việc lập báo cáo cuối năm của DFAS là một trò gian lận có hệ thống.
Phản hồi lại những cáo buộc trong bản báo cáo của Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, người phát ngôn quân đội Mỹ cho biết, những điều chỉnh kế toán không nghiêm trọng đến vậy khi con số khai báo không hợp lệ chỉ có 62,4 triệu USD. Đồng thời khẳng định, mặc dù có nhiều sự điều chỉnh trong báo cáo chi tiêu, chúng tôi tin rằng những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp chính xác hơn là những gì mà bản báo cáo ám chỉ. Phía DFAS hiện chưa đưa ra bình luận gì về cáo buộc này.
Vụ việc là bê bối mới nhất trong một loạt những bê bối liên quan đến sổ sách kế toán của quân đội Mỹ vốn đã gây ra nhiều phiền toái cho Lầu Năm Góc trong hàng thập kỷ qua. Năm 2013, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã từng bị tố che giấu lãng phí nhiều tỷ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ liên tục mua sắm những trang thiết bị mới cung cấp cho quân đội, nhưng trong thực tế không được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2003-2011, Ban lãnh đạo lực lượng vũ trang Mỹ đã buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát chi tiết khoản tiền 6 tỷ USD thuộc ngân sách dành cho quốc phòng.
Hiện quan chức lãnh đạo quân đội Mỹ đang trong quá trình tìm hiểu và khắc phục những nguyên nhân cốt lõi của các sai phạm, đồng thời tăng cường phân tích, đánh giá tài liệu hỗ trợ cho các đầu mục chi tiêu ngân sách. Quốc hội Mỹ trước đó đã yêu cầu Bộ Quốc phòng phải sẵn sàng phối hợp với cơ quan KTNN Hoa Kỳ (GAO) tiến hành một cuộc kiểm toán toàn diện trước ngày 30/9/2017, song các nhà phân tích hiện đang lo ngại rằng quan chức lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ không đáp ứng được yêu cầu này.
NGỌC QUỲNH
(TheoReuters và CNN)