Mục tiêu giảm phát thải còn khá xa
OAGC đã hoàn thành một cuộc kiểm toán và chỉ ra rằng, Kế hoạch hành động giảm phát thải đến năm 2030 của Canada không đáp ứng được các mục tiêu đề ra là giảm phát thải từ 40-45% so với mức năm 2005. Đây là kế hoạch đầu tiên được xây dựng theo Luật Trách nhiệm về phát thải NetZero mới của quốc gia này.
Tuy nhiên, trong một số dự báo gần đây nhất, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (MECC) - cơ quan chịu trách nhiệm về Kế hoạch - đã điều chỉnh mức giảm phát thải dự kiến đạt được trong Kế hoạch xuống khoảng 34% so với mức năm 2005. Dù đạt được mục tiêu mới đề ra thì con số này cũng cách khá xa so với mục tiêu tối thiểu 40% cho năm 2030 mà Canada đã cam kết theo Thỏa thuận Paris của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Cuộc kiểm toán của OAGC đã chỉ ra một số thiếu sót khiến Canada phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu đề ra như: Kế hoạch trên chưa đầy đủ vì các biện pháp chính, cần thiết để đáp ứng mục tiêu năm 2030 đã bị trì hoãn hoặc không được ưu tiên thực hiện.
Chính phủ liên bang vẫn có thể đạt mục tiêu giảm lượng khí thải vào năm 2030 bằng sự nỗ lực, tập trung và nâng cao khả năng lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành… Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả các khuyến nghị kiểm toán sẽ là một bước đi đúng hướng để đạt mục tiêu.
Kiểm toán nhà nước Canada
OAGC nhấn mạnh, dù kế hoạch này đã đề ra một số biện pháp mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm thiếu sót như: Thiếu thông tin quan trọng, dữ liệu không nhất quán, nhiều dự báo không có cơ sở đáng tin cậy... Đặc biệt, nhiều trong số 80 biện pháp của Kế hoạch giảm phát thải đến năm 2030 thiếu thời hạn, cột mốc và mục tiêu thực hiện cụ thể; thời hạn thực hiện chỉ được báo cáo cho 45% các biện pháp trong Kế hoạch.
Bên cạnh đó, OAGC nhận thấy trách nhiệm thực hiện các hành động nhằm giảm lượng khí thải chưa được các cơ quan liên bang chú trọng bởi họ không chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng MECC. Lãnh đạo MECC chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác mà không có thẩm quyền yêu cầu họ hành động nhiều hơn nữa, gây khó khăn cho việc đẩy nhanh tiến độ và việc điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp.
Cần cải thiện tính minh bạch trong hoạt động
Trong các cuộc kiểm toán trước đây, tính minh bạch cũng như độ tin cậy của mô hình kinh tế xanh nhằm giảm phát thải mà MECC sử dụng để dự báo lượng khí thải đã nhiều lần bị chỉ trích là rất yếu kém, không hiệu quả. Để cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp, OAGC khuyến nghị MECC cần xây dựng kế hoạch hành động chi tiết hơn, trong đó xác định rõ thời hạn thực hiện, các mốc sự kiện quan trọng và mức giảm phát thải dự kiến cho từng biện pháp của Bộ.
Ngoài ra, MECC phải đảm bảo nhiệm vụ đưa các thông tin cần thiết vào các kế hoạch hành động và kịp thời báo cáo tiến độ giảm phát thải. Việc báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch giảm phát thải đến năm 2030 còn chậm trễ và còn nhiều vấn đề tồn đọng như: Thiếu phân tích về những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra, thiếu đánh giá chéo giữa các bộ phận... Những vấn đề này cũng từng được chỉ ra trong các cuộc kiểm toán trước đây của OAGC.
Theo OAGC, lập mô hình là một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm phát thải trong Kế hoạch, để đánh giá các điều chỉnh cần thiết. Nhu cầu lập mô hình chất lượng cao ngày càng quan trọng hơn vì lượng phát thải của Canada không có xu hướng giảm từ năm 2005 đến nay, trừ 2 đợt giảm phát thải phát sinh riêng lẻ do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch năm 2020.
Để cải thiện hiệu quả của công tác lập mô hình, MECC được khuyến nghị cần phối hợp với các nhà khoa học, kỹ sư, nhà kinh tế học… trong hoạt động của MECC và tổ chức các diễn đàn trên phạm vi toàn quốc. Sự hợp tác cần bao gồm việc đánh giá chuyên sâu, kịp thời về các hoạt động, giúp MECC cải thiện công tác thu thập, phân tích dữ liệu, góp phần đưa Kế hoạch đi vào thực tế và đạt được nhiều kết quả đáng kể. MECC cần sớm tiến hành chính thức hóa sự hợp tác với các bên liên quan và công khai kết quả để tuyên truyền mạnh mẽ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ giảm phát thải trên toàn quốc./.
(Theo OAGC và tổng hợp)