Cảnh báo gian lận trong chi tiêu công tại Anh

(BKTO) - Văn phòng Kiểm toán nhà nước Anh (NAO), ngày 30/3 cho biết chính phủ nước này đã mất hàng chục tỷ bảng Anh do gian lận trong những năm gần đây và phần lớn các tổ chức công không nắm được mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

nao.jpg
Theo NAO số tiền gian lận chi tiêu công trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều - Ảnh minh họa

Gian lận, thất thoát 21 tỷ bảng trong 2 năm tài chính

Theo NAO, các tài khoản của chính phủ cho thấy tổng số tiền gian lận trong năm tài chính 2020-2021 và 2021-2022 là 21 tỷ bảng (tương đương 25,87 tỷ USD), tăng từ mức 5,5 tỷ bảng trong hai năm trước đó.

Trong số đó, 7,3 tỷ bảng liên quan đến các kế hoạch phòng ngừa COVID-19 tạm thời, với phần lớn trong số này là các khoản cho vay doanh nghiệp.

NAO nhận định số tiền gian lận trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. NAO cũng dẫn số liệu từ Cơ quan chống gian lận khu vực công cho thấy những gian lận và sai sót trong công tác thống kê chi tiêu chính phủ ở mức 33,2-58,8 tỷ bảng chỉ trong năm 2020-2021, không bao gồm chi tiêu liên quan dịch COVID-19.

NAO cho rằng hầu hết các bộ ngành của Chính phủ Anh không đủ năng lực để chống gian lận và hiểu rõ về mức độ rủi ro của tình trạng này.

Người đứng đầu NAO Gareth Davies cho biết có sự gia tăng đáng kể về mức độ gian lận được ghi nhận trong các báo cáo thường niên và các tài khoản mà NAO kiểm toán.

Ngoài việc thất thoát tiền của người nộp thuế, tình trạng gian lận còn dẫn tới nguy cơ khiến mọi người coi gian lận và tham nhũng trong chính phủ là điều bình thường và có thể tha thứ.

NAO nhấn mạnh nếu không được giải quyết, việc này có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự minh bạch của các dịch vụ công.

Vị trí của Anh trong bảng xếp hạng “Chỉ số nhận thức tham nhũng” của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã giảm mạnh trong năm 2022, được cho là do “sự sụt giảm gần đây về các tiêu chuẩn trong chính phủ và kiểm soát việc sử dụng tiền của người nộp thuế.”

Ngày 29/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tuyên bố xử lý gian lận thuế và lợi ích nhà nước là những ưu tiên của chính phủ nước này.

London mất vị thế "độc tôn" trung tâm tài chính toàn cầu

london.jpg
Số lượng công ty quốc tế niêm yết ở London đang sụt giảm - Ảnh minh họa

Trong một diễn biến khác, Cơ quan quản lý City of London Corporation ngày 30/3 thừa nhận thủ đô London của nước Anh không còn là thành phố duy nhất giữ vị trí dẫn đầu trong số các trung tâm tài chính toàn cầu.

Hiện thành phố New York của Mỹ đã thăng hạng từ vị trí thứ hai lên ngang hàng với London, do ngày càng có nhiều công ty niêm yết tại thị trường Mỹ.

Kết luận trên được cơ quan quản lý thị trường tài chính ở London đưa ra sau cuộc khảo sát thường niên đánh giá hoạt động của các trung tâm tài chính toàn cầu.

Theo đánh giá mới nhất này, điểm tổng thể năng lực cạnh tranh của London là 60 điểm (tăng từ 59 điểm vào năm 2022), nhưng số điểm của New York đã vươn lên mạnh mẽ để ngang bằng với London.

Tiếp theo là Singapore xếp thứ 3 (với 51 điểm), Frankfurt của Đức xếp thứ 4 (46 điểm), Paris của Pháp xếp thứ 5 (43 điểm) và Tokyo của Nhật Bản xếp thứ 6 (35 điểm).

Theo City of London Corporation, Anh tiếp tục phát huy thế mạnh lâu đời của quốc gia này với tư cách là trung tâm phát hành nợ quốc tế, bảo hiểm thương mại và giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, đồng thời là trung tâm quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, số lượng công ty quốc tế niêm yết ở London đang sụt giảm và rất ít công ty toàn cầu chọn niêm yết tại thành phố này.

Ngày 29/3, City of London Corporation đã đưa ra các đề xuất về việc điều chỉnh quy tắc niêm yết. Bên cạnh đó, giới chức tài chính ở Anh cũng hối thúc cải cách các quy tắc tài chính nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của London sau khi Anh rời Liên minh châu Âu - sự kiện đã khiến thành phố này phải cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác của EU như Amsterdam (Hà Lan), Paris và Frankfurt.

Dự kiến, trong quý 3/2023, City of London Corporation sẽ công bố chi tiết về một kế hoạch dài hạn, nhằm "khởi động" vai trò của London với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu thời hậu Brexit cho đến năm 2030.

Cùng chuyên mục
Cảnh báo gian lận trong chi tiêu công tại Anh