Thu ngân sách quý I tăng 1,3% so với cùng kỳ

(BKTO) – Chiều 30/3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi Họp báo.

btc.jpg
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: Thùy Anh

Tại Họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Trung ương (NSTƯ) đạt 37,6% dự toán, ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 22,1% dự toán.

Trong đó, số thu nội địa quý I đạt khá, chủ yếu do thu các phát sinh của quý IV/2022 và chênh lệch so với quyết toán thuế năm 2022 (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...) theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2023. Nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022 thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so với cùng kỳ.

4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp  so với dự toán và giảm so với cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng. Ngoài ra, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022 thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so với cùng kỳ.

Về chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Lũy kế chi quý I/2023 đạt 17,5% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.

Trong quý I/2023, cân đối NSTƯ và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến ngày 24/3, gần 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,53 năm đã được phát hành với lãi suất bình quân 4,26 %/năm.

Tại Họp báo, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm - cho biết: Từ ngày 21/02/2023, Bộ Tài chính đã công bố đường dây nóng (số điện thoại, địa chỉ email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng.

Đến nay, sau hơn 1 tháng, Cục đã tiếp nhận 178 cuộc điện thoại, 218 email phản ánh liên quan đến sự việc này. Sau khi tiếp nhận phản ánh, Cục đều có cán bộ xác minh, hướng dẫn người dân đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, xử lý.

Cục đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng. Qua quá trình thanh tra, Cục đã phát hiện sai sót, các đoàn đang hoàn thiện báo cáo. Cục sẽ thông báo kết luận thanh tra.

Với các trường hợp người dân phản ánh bị ngân hàng, nhân viên ngân hàng gian dối trong quá trình bán bảo hiểm, gây thiệt hại, ông Tuấn khuyến khích người dân làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan Công an để được tiếp nhận và xử lý.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã phát sinh tình trạng một số nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tiền gửi ngân hàng.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Bộ Tài chính sau đó đã ra các chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát kênh phân phối bảo hiểm này, thực hiện thanh tra chuyên đề… đồng thời lập đường dây nóng nhận phản ánh của người dân./.

Cùng chuyên mục
Thu ngân sách quý I tăng 1,3% so với cùng kỳ