Cảnh báo về 'làn sóng thứ hai' của dịch Covid-19 tại Trung Quốc

(BKTO) - Các mô hình nghiên cứu cho thấy việc vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến các ca nhiễm mới có thể tăng lên mức đáng ghi nhận vào lúc đỉnh điểm của đợt dịch vừa qua.



                
   

Quang cảnh thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 8/4/2020, thời điểm lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 chính thức được dỡ bỏ

   

Ngày 9/4, giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc chỉ nên dỡ bỏ phong tỏa từng bước để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ hai” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi hàng nghìn người dân ở tâm dịch Vũ Hán cuối cùng cũng được phép di chuyển khỏi thành phố này từ ngày 8/4.

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt bao gồm cấm đi lại gần 11 tuần, dường như đã phát huy hiệu quả, và cuộc sống dần dần trở lại bình thường tại thành phố Vũ Hán dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại châu Âu và Mỹ. Các biện pháp hạn chế đã giúp các cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh mà vào thời kỳ đỉnh điểm đã lây lan cho hàng nghìn người mỗi ngày ở tỉnh Hồ Bắc, trong đó Vũ Hán là thủ phủ.

Các chuyên gia tại Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng việc dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội tại các vùng bên ngoài Hồ Bắc cần được dỡ bỏ dần dần để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Họ phân tích số ca nhiễm bệnh tại 4 thành phố của Trung Quốc gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Ôn Châu trong thời gian từ giữa tháng Một đến cuối tháng Hai, và cho biết các biện pháp như đóng cửa doanh nghiệp, trường học và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã kiềm chế tỷ lệ lây lan của virus SARS-CoV-2 xuống dưới 1, tức là mỗi người nhiễm bệnh trung bình chỉ lây cho 1 người khác.

Đây là một kết quả rất tích cực khi vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, 1 người có thể lây cho khoảng 2-3 người, như vậy đủ để dịch bệnh lây lan theo cấp số nhân.

Các mô hình nghiên cứu cho thấy việc vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến các ca nhiễm mới có thể tăng lên mức đáng ghi nhận vào lúc đỉnh điểm của đợt dịch vừa qua. Theo đồng trưởng nhóm nghiên cứu trên, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Joseph Wu thuộc Đại học Hong Kong, dù các biện pháp hạn chế đã giảm số ca nhiễm bệnh xuống mức rất thấp, nhưng điều này không có nghĩa là cộng đồng được miễn dịch hoàn toàn với virus SARS-CoV-2. Do vậy, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các doanh nghiệp, nhà máy và trường học dần dần hoạt động trở lại và người dân gia tăng giao tiếp xã hội.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các ca tử vong do Covid-19 ở mức dưới 1% tại các khu vực ngoài Hồ Bắc. Còn tại tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này, tỷ lệ tử vong ở mức 5,91% khi hệ thống y tế của Hồ Bắc bị quá tải. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương có đủ nhân lực và vật lực để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Ngày 23/1, Trung Quốc đã quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán 11 triệu dân, sau khi địa phương này liên tục xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 và được xác định là nơi khởi phát dịch COVID-19. Theo các số liệu báo cáo chính thức, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, Vũ Hán đã ghi nhận hơn 50.000 ca mắc và tổng số ca tử vong cao nhất Trung Quốc (chiếm 80% trong số 3.333 ca tử vong ở Trung Quốc tính đến ngày 8/4). Hơn 1.400 ca đang tiếp tục được điều trị ở Vũ Hán. Đến ngày 8/4, lệnh phong tỏa thành phố này đã chính thức được dỡ bỏ.
Theo VN+
Cùng chuyên mục
Cảnh báo về 'làn sóng thứ hai' của dịch Covid-19 tại Trung Quốc