.jpg)
Vượt chỉ tiêu giảm nghèo
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 và lồng ghép hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án khác, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh này đã vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2024, tỉnh đặt chỉ tiêu giảm trên 3% số hộ nghèo người DTTS thì dự kiến cuối năm này ước đạt 4%.
Giai đoạn 2022-2024, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có bước đột phá mạnh mẽ với động lực từ các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, từng bước hoàn thiện đã tạo nền tảng để tỉnh Cao Bằng tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất.
Một thế mạnh của tỉnh Cao Bằng là phát triển kinh tế lâm nghiệp. Để phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng DTTS, từ vốn Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã thực hiện giao khoán và hỗ trợ kinh phí bảo vệ 237.067,55 ha rừng; đồng thời thực hiện 461 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số 21.304 hộ dân tham gia.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Cao Bằng thực hiện 468 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 48 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 420 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng. Trong đó, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 178 dự án, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 242 dự án. Giải ngân vốn đầu tư đạt 212,331 triệu đồng, bằng 48,2% kế hoạch.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2024 của tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 4,67%.
Tăng cường sự lãnh đạo trong công tác giảm nghèo
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo rà soát, tỉnh Cao Bằng còn gần 26.000 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 20,04%); Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cao; tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn thấp, tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu đề ra; nhận thức của một số hộ nghèo còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm tăng nguy cơ tái nghèo và phát sinh thêm hộ nghèo.
Năm 2023, qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế. Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng như năm 2022 của một số địa phương không chi tiết đến nội dung danh mục dự án đầu tư (tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông). Nguyên nhân chủ yếu được KTNN chỉ ra là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, công tác lập kế hoạch hàng năm còn chậm, việc bố trí vốn thực hiện Chương trình chưa kịp thời, cùng với một số bất cập về chính sách cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo. Năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm ít nhất 4% với trên 5.150 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2025.
Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục xác định Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn đảm bảo cuộc sống và sản xuất.
Để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác giảm nghèo bền vững, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Các cấp, các ngành và các địa phương cần có tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình MTQG, cũng như vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị các cấp ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững; trong đó, cần lồng ghép các nguồn vốn, nguồn lực địa phương, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của nhân dân để đầu tư mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài, hướng tới mục tiêu người dân có việc làm, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Các đơn vị đẩy mạnh thực hiện các dự án liên huyện, liên xã, hỗ trợ cho lưu thông sản xuất hàng hóa; tạo mọi điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; thực hiện hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo..., góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn./.