Thực hiện Nghị quyết 43; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ: Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11), các chỉ đạo của tỉnh, huyện Trùng Khánh cụ thể hóa các nhiệm vụ và giao trách nhiệm triển khai thực hiện đến từng phòng, ban liên quan, ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn.
Trong 2 năm (2022 - 2023), việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu KT - XH của địa phương.
Đối với các chính sách miễn, giảm thuế, huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng, người nộp thuế bằng nhiều hình thức phù hợp; chỉ đạo cơ quan thuế tích cực triển khai.
Kết quả giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, có 269 người nộp thuế được giảm với số thuế giảm 33 tỷ 113 triệu đồng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, có 135 người nộp thuế được giảm, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 32,98 tỷ đồng. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, có 134 người nộp thuế được giảm, với số thuế GTGT giảm 123 triệu đồng.
Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách đạt 52,679 tỷ đồng, đạt 88,92% kế hoạch với 4 chương trình. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 39,98 tỷ đồng, đạt 87,88% kế hoạch; cho vay nhà ở xã hội 5,148 tỷ đồng, đạt 85,61% kế hoạch; cho vay học sinh sinh viên mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến 460 triệu đồng, hoàn thành 71,31% kế hoạch; cho vay phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 7 tỷ đồng. Hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 4,82 tỷ đồng.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử lý kịp thời tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Tăng cường phối hợp giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát yêu cầu các đơn vị làm rõ một số nội dung liên quan như: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch; chính sách lao động việc làm, hỗ trợ lãi suất, việc thực hiện một số dự án; bổ sung thêm kết quả thực hiện các mục tiêu và tác động cụ thể của nghị quyết đối với tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước; đánh giá về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tỷ lệ thất nghiệp; rà soát các đối tượng thụ hưởng từ các chính sách, hạn chế và nguyên nhân tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 của Chính phủ, nhất là chính sách ưu đãi tín dụng; đánh giá cụ thể việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vấn đề an sinh xã hội.
Huyện kiến nghị Trung ương, tỉnh đầu tư xây mới Trạm y tế xã Đức Hồng (Trùng Khánh); xem xét, tạo điều kiện gia hạn giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 01/2024; hướng dẫn về chính sách miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; đầu tư kinh phí cho một số xã xây dựng trạm y tế.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức nhấn mạnh: Mục tiêu của cuộc giám sát là đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 43 của các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện, từ đó, có tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đề nghị huyện, các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện hạ tầng cơ sở như mục tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đồng thời, cần đánh giá sâu, toàn diện hơn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; rà soát, đánh giá lại các nhóm chính sách, các chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách về lao động, việc làm cần có sự đánh giá đảm bảo tính toàn diện để tiếp tục triển khai nghị quyết đạt hiệu quả cao.
Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Cao Bằng thời gian tới./.