Cao Bằng: Tiếp tục chuyển đổi số trên 3 trụ cột

(BKTO) - Sau gần10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng…

cao-bang.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu chỉ đạo các nội dung thực hiện chuyển đổi số tỉnh. Ảnh sưu tầm

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng, ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” được ban hành, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 06/5/2015 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Cao Bằng ban hành hơn 40 Quyết định, Kế hoạch để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 36; phê duyệt triển khai hơn 50 nhiệm vụ ứng dụng CNTT trọng điểm.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng, các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc, quyết liệt triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư đồng bộ; hạ tầng Bưu chính, viễn thông phát triển đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đến hầu hết các khu vực biên giới. 100% UBND cấp huyện và cấp xã, được kết nối Internet băng rộng cố định cáp quang và băng rộng di động 3G, 4G; 30% các xã có đài truyền thanh; 2 huyện được trang bị Cụm thông tin điện tử với màn hình LED cỡ lớn phục vụ công tác tuyên truyền tại biên giới.

100% huyện, xã có đường thư bưu chính. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85,1%. Số lượng hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 48,24%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; đã phát triển tổng số 1.136 vị trí trạm BTS. Doanh nghiệp, người dân tiếp cận CNTT, sử dụng Internet ngày càng tăng, việc khai thác thông tin nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử và đời sống sinh hoạt đã trở thành nhu cầu thiết yếu…

Cùng với đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác CNTT ngày càng được củng cố. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm bố trí nhân lực, phân công công chức, viên chức phụ trách công tác ứng dụng CNTT; thường xuyên đăng ký, cử nhân sự tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng cuối theo Chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh hàng năm.

UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, trong những năm tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tiếp tục chuyển đổi để nâng cao vị trí của tỉnh so với các địa phương khác trong Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số hằng năm; hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Cùng chuyên mục
Cao Bằng: Tiếp tục chuyển đổi số trên 3 trụ cột