Ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"
Tại Hội nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của DN, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, ngày 07/9, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các DN bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Dù NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị để rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn bởi DN không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".
Theo Báo cáo của NHNN, đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Cũng theo NHNN, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó, tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, NHNN khẳng định, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan. Cụ thể là do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản…
Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
Cần giải pháp tổng thể, khôi phục niềm tin thị trường
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của DN, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp: Kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường (trái phiếu DN, bất động sản); nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của DN; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Bên cạnh việc tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để "góp gió thành bão", thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển… Rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế mặt bằng lãi suất hợp lý…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
Liên quan đến vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể trong nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng. Từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều. Cần nghiên cứu giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Với tín dụng, phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của NHNN và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ DN tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh…
PGS,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhấn mạnh: Nền kinh tế đang ở trong trạng thái không bình thường. Trong bối cảnh đó, phải phân tích kỹ các nguyên nhân từ bên trong bộ máy hành chính cũng như cấu trúc của hệ thống DN Việt Nam để nhận diện đúng và có biện pháp xoay chuyển. Vấn đề khó nhất đối với DN hiện nay là thị trường, cho nên, phải mở được các thị trường cho DN.
Đối với điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm, tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai. Đơn cử, hỗ trợ tín dụng DN phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.
Theo ông Thiên, giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa, ngân sách để hỗ trợ DN và nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ". "Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm" - ông Thiên nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - cho rằng, bên cạnh giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này phải bàn chuyện dài hạn, tính xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Với bất động sản - khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt, tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để DN "thích thú với nhà ở xã hội" theo hướng Nhà nước làm chính sách, ngân hàng cho vay vốn, DN chỉ lo xây và bán nhà. Về điều kiện cho vay, đây là quyền của các ngân hàng thương mại, quyền lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng, Nhà nước chỉ đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và DN, các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông, lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…/.