Nguồn cung cấp nước trở nên đáng báo động
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa năm 2024 đến muộn, tổng lượng mưa trên khu vực ĐBSCL trong tháng 5/2024 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%. Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các tổ chức quốc tế cũng dự báo, lượng mưa trong tháng 5/2024 trên lưu vực sông Mê Công thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%. Trong khi đó, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công. Điều này khiến nguồn cung cấp nước cho ĐBSCL trở nên đáng báo động.
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhận định, dòng chảy từ sông Lan Thương (Trung Quốc) vẫn ở mức thấp, dòng chảy qua trạm Krachê (Campuchia) trong tháng 5/2024 biến động trong khoảng 8,9-10,7 tỷ m3, lượng nước trữ ở Biển Hồ (Campuchia) hiện tại là 1,2 tỷ m3, đóng góp không đáng kể ra dòng chính sông Mê Công trong thời gian tới ở ĐBSCL. Tháng 5/2024, mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu có xu thế biến động theo thủy triều trong khoảng 0,9-1,4m. Lưu lượng trung bình ngày tới ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc sẽ biến động trong khoảng 3.200-5.200m3/s, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, nhưng cao hơn so với năm 2020. Tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này có thể sẽ ở mức 9,7-11 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19-28%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 7-18%, nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 16-30%.
Cũng theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, xâm nhập mặn ĐBSCL vượt qua thời kỳ cao điểm và đang có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa ở ĐBSCL đến muộn nên xâm nhập mặn vẫn còn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng 5/2024. Đặc biệt, trên sông Vàm Cỏ Tây, do nguồn nước cung cấp trong thời gian tới vẫn rất hạn chế nên tình hình xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài và có thể ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thực tế cho thấy, vào mùa khô, nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công và dự báo còn chịu nhiều biến động, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, đe dọa an ninh nguồn nước của ĐBSCL. Đáng quan ngại, theo cảnh báo của Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - PGS,TS. Trần Bá Hoằng, hiện nay, ĐBSCL đang chịu ba loại tác động lớn và rất bất lợi, đó là: Phát triển thượng lưu sông Mê Công với nhiều hồ chứa được xây dựng, dung tích hữu ích hiện nay ước tính khoảng 69-73 tỷ m3; tác động từ biển, trong đó nước biển dâng là quan trọng nhất; lún sụt mặt đất do cấu kết tự nhiên và con người khai thác nước ngầm, xây dựng hạ tầng gây ra. Đáng nói, hai yếu tố đầu tiên và một phần yếu tố thứ ba là từ bên ngoài, đặt ĐBSCL vào thế phải chống đỡ, thích nghi.
“Các tác động lớn đến ĐBSCL bao gồm: Dòng chảy về đồng bằng thay đổi quy luật, do đó làm thay đổi chế độ nước trên đồng bằng cả hai mùa lũ và kiệt. Việc mất phù sa về đồng bằng dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển. Nguồn nước mùa khô biến động mạnh, đặc biệt là hạn mặn có thể xảy ra bất thường và nghiêm trọng hơn” - PGS,TS. Trần Bá Hoằng cảnh báo.
Chủ động thích nghi có kiểm soát, tăng cường các giải pháp phi công trình
Theo PGS,TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Ðại học Cần Thơ, giải pháp sống còn cho vấn đề nguồn nước ở ÐBSCL là tập trung cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao. Bên cạnh đó, tăng cường pháp chế liên quan kiểm soát nguồn nước; thường xuyên theo dõi các vấn đề nước xuyên biên giới trên lưu vực và tăng cường bảo tồn nguồn nước; sử dụng nước hợp lý, chia sẻ thông tin nguồn nước rộng rãi, hiện đại hoá hệ thống quan trắc nguồn nước.
Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay, từ những cảnh báo trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhận diện và định hướng chiến lược quan trọng đối với ĐBSCL là chủ động thích nghi có kiểm soát, làm chủ tình huống khi bất lợi xảy ra, lấy tài nguyên nước làm cốt lõi để bố trí sản xuất, định hướng phát triển. ĐBSCL cần chủ động về nguồn nước cho các vùng sản xuất dựa theo sinh thái tự nhiên với ba loại hình tiêu biểu là thủy sản mặn lợ ven biển, trái cây và lúa gạo.
Đối với vùng ven biển - vùng khó khăn về nước và dễ bị tổn thương, nhiệm vụ trọng yếu là chủ động nguồn nước, được thực hiện theo chiến lược nâng cấp các hệ thống thủy lợi ven biển, như: Xây dựng các công trình kiểm soát mặn, lấy nước ngọt và chủ động chuyển nước ngọt cho các vùng khan hiếm nước có tiềm năng kinh tế cao như các vùng nuôi tôm. Cùng với các hệ thống thủy lợi tăng cường nguồn cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích nhân dân tự tích nước. Đối với vùng ngập lũ, theo đánh giá và dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm mạnh (khoảng 10-15 năm mới xuất hiện 1 lần; tương lai khi thượng lưu hoàn thiện các hồ chứa theo quy hoạch khoảng 110 tỷ m3 thì khoảng 90-100 năm mới xuất hiện 1 lần), lũ vừa và lũ nhỏ xuất hiện thường xuyên. Do đó, việc sản xuất trên vùng ngập lũ cần thay đổi cho phù hợp để khai thác tốt nhất tài nguyên đất và nước với các mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục tăng cường các giải pháp phi công trình để chỉ đạo điều hành, xây dựng các kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra trên địa bàn và giải pháp ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường, hiện đại hóa công tác giám sát, cập nhật các bản tin của các cơ quan dự báo chuyên ngành phục vụ công tác điều hành mùa vụ, tạo thuận lợi cho nhân dân có thông tin về nguồn nước để chuyển đổi sản xuất ngắn và dài hạn. Ngoài ra, rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành các hệ thống thủy lợi đã hình thành để tăng cường vận hành, kết nối nguồn nước trong nội vùng.
“Các địa phương điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường khuyến khích người dân tích trữ nước trong các ao, mương khu vực vườn cây ăn trái và trên ruộng (đối với lúa) trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn” - PGS,TS. Trần Bá Hoằng khuyến nghị./.