Số lao động thiếu việc làm giảm mạnh
Phân tích kết quả điều tra, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nêu, tình hình thiếu việc làm của người lao động năm 2022 giảm so với năm trước, do năm 2021, thị trường lao động vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Cụ thể, trong năm 2022, cả nước có gần 1,1 triệu lao động thiếu việc làm từ 15 tuổi trở lên, giảm 358.400 người so với năm trước. Trong đó, 70,3% lao động thiếu việc làm cư trú ở khu vực nông thôn (tương đương 765.000 người).
Nếu so sánh theo vùng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất với 3,61%, trong khi đó tỷ lệ này thấp nhất là ở Đồng bằng sông Hồng (0,93%). TP. Hà Nội có tỷ lệ thiếu việc làm thấp hơn TP. Hồ Chí Minh (tương ứng 0,64% và 1,04%).
Về cơ cấu, lao động nam thiếu việc làm chiếm tỷ trọng cao hơn nữ (54,5% tổng số lao động thiếu việc làm cả nước). Thanh niên thiếu việc làm (từ 15-24 tuổi) chiếm 14,1% tổng số lao động thiếu việc làm. Nếu phân chia theo nhóm 5 độ tuổi thì lao động thiếu việc làm nhiều nhất thuộc về nhóm tuổi 30-34 và 35-39 (mỗi nhóm chiếm trên 13%).
Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) - cho biết, trong tổng số gần 1,1 triệu người thiếu việc làm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 45,1% (tương đương với 490.000 người thiếu việc làm). Tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,5% (khoảng 353.200 người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 22,5% (khoảng 244.500 người).
Như vậy, tình trạng thiếu việc làm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã quay trở lại xu hướng như trước đây. Bởi theo kết quả điều tra năm 2021, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, tỷ trọng lao động thiếu việc làm thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thường chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 50% (năm 2019 là 63,1%; năm 2020 là 49,7%). Nhưng trong năm 2021 - năm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ lại chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành kinh tế, với 36,1%. Trong khi lao động thiếu việc làm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 35,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,8%. Cụ thể, ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 169.400 người; khu vực dịch vụ tăng 195.200 người và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 59.300 người.
Với kết quả điều tra của năm 2022, số lao động thiếu việc làm giảm ở cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ (tương ứng giảm 17.600 người, giảm 171.400 người và giảm 169.400 người so với năm trước) - ông Phạm Hoài Nam nêu rõ.
Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm có cải thiện
Tỷ lệ thất nghiệp cũng có xu hướng cải thiện rõ rệt. Ông Nguyễn Trung Tiến chia sẻ, năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của Việt Nam là 2,34%, thấp hơn 0,86 điểm phần trăm so với năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,82%, cao hơn 0,78 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Trong khi đó, kết quả điều tra năm 2021 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của Việt Nam là 3,2%, cao hơn 0,52 điểm phần trăm so với năm điều tra liền trước, với tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao gấp hơn 1,7 lần khu vực nông thôn (4,33% so với 2,5%). Tỷ lệ thất nghiệp của nam và nữ năm 2022 chênh nhau không nhiều (2,36% và 2,32%), khoảng cách ngày càng thu hẹp (so với năm 2021, mức độ thất nghiệp của nữ cao hơn 0,11 điểm phần trăm so với nam, cụ thể là 3,26% và 3,15%).
Đề cập đến những chuyển biến tích cực trên, ông Nguyễn Trung Tiến bình luận, các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã được các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực trên cả nước góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm so với năm trước và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Khi so sánh giữa các vùng kinh tế - xã hội, ông Phạm Hoài Nam cho biết, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất (2,88%), tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long (2,76%). Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về Tây Nguyên (0,67%). TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với Hà Nội (4,19% so với 2,22%).
Phân tích sâu hơn về tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ cho thấy, nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là (3,41% và 3,16%) và những người tốt nghiệp sơ cấp có tỷ lệ thấp nhất (1,6%). Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Phạm Hoài Nam cho rằng, nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc giản đơn và không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp, trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn. Ngoài ra, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng đối với nhóm lao động có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe hơn so với lao động giản đơn và cũng do nhóm lao động đã qua đào tạo thường có yêu cầu về mức thu nhập cao hơn nhóm lao động giản đơn.
Như trên đã đề cập, năm 2021 đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn cho thị trường lao động khu vực thành thị khiến tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ghi nhận những điểm sáng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Do đó, thị trường lao động đã trở lại xu hướng được quan sát thường thấy như trước./.