Gần 300 công nhân lao động đối thoại với Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

(BKTO) - Sáng 23/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024.

doithao23.png
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: hanoi.gov.vn

Vấn đề nhà ở là yêu cầu bức xúc của người lao động

Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động. Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên, người lao động.

Hiện nay, 3 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long và Phú Nghĩa đã có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do vậy, khoảng 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng trường mầm non công lập, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp còn thiếu. Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào các trường công lập, điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động khi phải cho con học trường dân lập với chi phí cao.

Trước tình hình đó, Thành phố đã triển khai, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 371.638 lượt lao độnh tại 20.794 doanh nghiệp với số tiền hơn 194 tỷ đồng; Chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, như: giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước... Vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho người lao động.

Vấn đề nhà ở xã hội là nội dung cả hệ thống chính trị của Thành phố đang vào cuộc nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch. Thành phố phấn đấu năm 2024 sẽ có những dự án khởi công và hoàn thành được, từ đó tạo ra quỹ nhà cho anh chị em công nhân. Đồng thời, sẽ thực tế hơn quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục quy trình thực hiện; có chính sách hỗ trợ để người đáng được hưởng sẽ được hưởng.Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Giải đáp những thắc mắc của công nhân lao động về vấn đề nhà ở, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hiện có 58 dự án phát triển nhà ở xã hội, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Hà Nội đã trình xây dựng 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung. Đối với huyện Gia Lâm, hiện đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội ở Cổ Bi, với quy mô 22ha đang trình phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tạo điều kiện để người lao động mua nhà ở xã hội, có những ưu đãi và trả tiền linh hoạt; vấn đề vay vốn sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thành phố cũng tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và công nhân lao động tại các khu công nghiệp nói riêng. Việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm, đây là lỗi của Thành phố, của sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, UBND Thành phố đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân lao động.

Đảm bảo chế độ tiền lương và phúc lợi xã hội

Cũng theo đại diện LĐLĐ Thành phố Hà Nội, quý I năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 07 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do các chi phí thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Về chính sách bảo hiểm, hiện nay, Thành phố có 2.059.803 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023, đạt 88,93% kế hoạch; chiếm 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2024, toàn Thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.

1(2).jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà cho công nhân lao động. Ảnh: VGP

Giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người lao động về các vấn đề tình trạng rút bảo hiểm một lần, đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội Vũ cho biết, thời gian qua, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già.

Ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, năm 2022, Thành phố đã hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025; hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác.

Ghi nhận các ý kiến của người lao động, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, nhiều nhóm người phải làm việc đến cuối đời mà không có lương hưu, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng rút ra và dừng lại là thiệt thòi và không nên có tình trạng đó. Thời gian qua, Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng sẽ có những điều chỉnh để tối ưu nhất chính sách cho người lao động. Thời gian tới, các cơ quan cũng cần tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ, có thêm nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Về chính sách an sinh xã hội, Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động về tiền lương, tiền công để có những quyết sách trình HĐND cho phù hợp lộ tình phát triển Thủ đô. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến và  cùng với LĐLĐ Thành phố triển khai công việc bằng trách nhiệm cao nhất, giải quyết nhanh nhất kiến nghị của công nhân lao động.

4 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 73.298 lao động, đạt 44,4 % so với kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm cho 13.892 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 1.717 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm là 5.483 lao động…

Cùng chuyên mục
Gần 300 công nhân lao động đối thoại với Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội