Các DN mong muốn việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh phải thực chất hơn nữa. Ảnh: TTXVN
Nhiều Bộ “thờ ơ”, một số Bộ vẫn tích cực
Đánh giá trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra cùng với việc nêu vấn đề phải chăng các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa?
Sự “thờ ơ” đó phần nào được thể hiện qua động thái, tính đến cuối năm 2019, VCCI chỉ nhận được đề nghị góp ý của hai Bộ đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với DN gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ biết có hai Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019.
Đánh giá cao sự tích cực, nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Y tế trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, VCCI cho biết, năm 2018, Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương được ban hành đầu tiên trong chuỗi các nghị định về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý. Tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, Bộ đã kiến nghị bãi bỏ nhiều điều kiện cấp giấy phép tư vấn đầu tư xây dựng công trình nhà máy thủy điện, nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp; giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy thủy điện, nhiệt điện; giảm số năm kinh nghiệm của người trực tiếp quản lý kỹ thuật vận hành trong điều kiện cấp giấy phép hoạt động phân phối điện…
Đối với lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã có những kiến nghị sửa đổi liên quan đến thủ tục hành chính, cơ chế quản lý đối với một số hoạt động kinh doanh theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho DN, nhất là trong hoạt động tiếp nhận nội dung quảng cáo, thay vì xin cấp phép thì DN chỉ cần gửi nội dung dự kiến quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước cấp Phiếu tiếp nhận, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung. Những thủ tục giấy tờ, tài liệu trong một số thủ tục hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề, trang thiết bị y tế cũng được tinh giản…
Doanh nghiệp mong muốncắt giảm phải thực chất
Bên cạnh những điểm tích cực, VCCI cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, như một số quy định sửa đổi điều kiện kiện kinh doanh của Bộ Công Thương trong Dự thảo Nghị định vẫn còn hình thức. Trong đó, có quy định được sửa đổi nhưng không làm thay đổi về bản chất, chẳng hạn như Dự thảo Nghị định sửa quy định “Có Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp”, Bộ sửa thành “là DN thành lập theo quy định của pháp luật” trong điều kiện sản xuất hóa chất. Việc sửa đổi này được thực hiện tương tự trong một loạt các quy định về điều kiện sản xuất, xuất nhập khẩu hóa chất. Nếu tính theo cơ học thì các sửa đổi này sẽ được tính là 4 điều kiện được đơn giản hóa. Hoặc có quy định được bãi bỏ nhưng thực ra không thay đổi bản chất, như Bộ đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng không có nghĩa là các DN không phải đáp ứng.
Đồng thời, cũng có quy định được sửa đổi nhưng chưa triệt để, như Bộ góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh khí tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP nhưng vẫn đưa ra điều kiện yêu cầu thương nhân phải có hợp đồng thuê cơ sở vật chất với thời hạn thuê tối thiểu.
Đối với lĩnh vực y tế, VCCI cho rằng một số quy định mà Bộ Y tế đề xuất bổ sung có nguy cơ khiến cho chính sách trở nên thiếu minh bạch hơn, như các tiêu chí để được đặt tên “Bệnh viện quốc tế” hay trao quyền cho Bộ “xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mang tính đặc thù”. Vì thế, khi thẩm định Dự thảo Nghị định này, Bộ Tư pháp đã bãi bỏ quy định bất cập về đặt tên “Bệnh viện quốc tế”, chỉ tập trung vào việc điều chỉnh các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế và một số hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế.
Trước thực tế có ít Bộ thể hiện động thái tích cực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ quản lý trong năm 2019, VCCI nêu vấn đề, có thể một số cơ quan quản lý cho rằng, các điều kiện kinh doanh hiện tại đã khá hoàn chỉnh, khó có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa hơn; hoặc cần có thời gian đánh giá hiệu quả của đợt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trước khi thực hiện đợt rà soát tiếp; hay có thể không gian cải cách của các Bộ bị giới hạn bởi quy định tại các luật.
Theo ý kiến của cộng đồng DN, bên cạnh những điểm tích cực của hoạt động rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, các DN vẫn băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này và cho rằng vẫn có rất nhiều không gian cho hoạt động cải cách cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
PHÚC KHANG