Chấn chỉnh tình trạng lãng phí trong tổ chức lễ kỷ niệm

(BKTO) - Tình trạng tổ chức lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí hy vọng sẽ được cải thiện sau khi Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương (Nghị định 111) ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây.



Lãng phí trong tổ chứclễ kỷ niệm…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT&DL), hiện có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện này vẫn chưa có văn bản có tính chất pháp lý quy định, điều chỉnh dẫn đến nhiều biến tướng, bất cập trong quá trình thực hiện, gây tốn kém, lãng phí lớn.

Điển hình như câu chuyện tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng dịp 20 năm tái lập tỉnh; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng mua Kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm ngày truyền thống…

Tình trạng lãng phí này cũng làm “nóng” diễn đàn của cơ quan dân cử khi nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra mặt trái của những lễ kỷ niệm. Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, tình trạng tổ chức lễ kỷ niệm kiểu “trăm hoa đua nở” là rất đáng lo ngại. Trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải gọi đây là sự “lãng phí và tốn kém”...

TS. Nguyễn Văn Vịnh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho rằng, việc chi tiêu cho khánh thành, kỷ niệm... đang ngốn quá nhiều tiền của, NSNN. “Cả nước có hàng nghìn cơ quan, DNNN, mỗi năm biết bao nhiêu lễ kỷ niệm được tổ chức, nhân lên sẽ ra con số khổng lồ” - ông Vịnh nhận định.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Ninh Thị Thu Hương, có tình trạng nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng tham gia, gây tốn kém, lãng phí. Do đó, việc tổ chức lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, khiến dư luận bức xúc và gây mất lòng tin trong nhân dân.

Kỳ vọng vào những quy định được luật hoá

Từ thực tế việc tổ chức lễ kỷ niệm lãng phí, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Theo Chánh Văn phòng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Thái Bình, từ nhiều năm nay, việc tổ chức ngày lễ kỷ niệm, dù ở quy mô nào cũng phải thực hiện đúng theo những quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài (Nghị định 145).

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Các lễ kỷ niệm được tổ chức cũng phải phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục tập quán của từng địa phương. Đặc biệt, phải sử dụng NSNN tiết kiệm và hiệu quả nhất. “Tuy nhiên, việc thiếu chế tài và quy định trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến hiệu quả chấp hành các yêu cầu này chưa cao, chưa được nhân dân đồng tình ủng hộ” - ông Bình nói.

Do đó, sự ra đời của Nghị định 111 thay thế các quy định này trong Nghị định 145 được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng thời gian tới đi vào nề nếp. Sự ra đời của Nghị định cũng đánh dấu lần đầu tiên, các quy định cụ thể về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng được thể hiện tập trung trong một văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định 111 là những quy định rõ ràng, những “điều cấm” nhằm ngăn ngừa sự lãng phí như cấm tặng quà và tổ chức chiêu đãi - vấn đề đã làm “nóng” dư luận trong thời gian qua.

Bên cạnh những quy định, chế tài được đề ra, GS. Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - cho rằng, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “nhờn” quy định như vừa qua.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018
Cùng chuyên mục
  • Giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất nông, lâm trường: Vẫn chưa quyết liệt, triệt để
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường hiệu quả luôn là một vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quản lý nguồn đất đai này vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật vẫn chưa được giải quyết triệt để.
  • Doanh nghiệp Việt vẫn lơ là cảnh báo sai phạm và kiểm soát rủi ro
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sự thiếu chủ động kiểm soát dẫn đến chậm trễ trong xử lý sai phạm, khủng hoảng là nguyên nhân chính khiến cho DN phát triển không bền vững. Do đó, việc xây dựng hệ thống báo cáo sai phạm, đi đôi với tăng cường năng lực quản trị sẽ giúp cho DN ngày càng minh bạch hơn trong mắt đối tác nước ngoài, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ khủng hoảng lan rộng.
  • Tầm soát ung thư vú cho phụ nữ tuổi 40
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ung thư vú thế giới và hướng tới kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" phối hợp với Bệnh viện K triển khai chiến dịch “Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40” tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía bắc, miền trung. Chiến dịch diễn ra từ ngày 13/10 đến hết ngày 3/11.
  • Sắp diễn ra chung kết Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chung kết Cuộc thi Y tế cơ sở giỏi sẽ diễn ra vào ngày 30/10 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia tranh tài của 6 đội thi xuất sắc đại diện cho 3 khu vực.
  • Bộ Y tế phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 13/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội, từng gia đình và toàn xã hội tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chấn chỉnh tình trạng lãng phí trong tổ chức lễ kỷ niệm