Chấn chỉnh việc phân bổ, sử dụng vốn nước ngoài

(BKTO) - Tại phiên họp ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định chưa xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 vì chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra từ báo cáo của Chính phủ tại phiên thảo luận một lần nữa làm dấy lên những băn khoăn, lo ngại về kỷ luật, kỷ cương ngân sách nói chung và kỷ cương trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài nói riêng.





Nhiều công trình, dự án ODA đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện. Ảnh :TS
Tiến độ giải ngân thấp

Theo Tờ trình của Chính phủ, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13 Quốc hội đã thông qua 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách Trung ương năm 2016 (sau đây gọi tắt là kế hoạch vốn nước ngoài). Trong đó, Chính phủ đã phân bổ chi tiết 48.700 tỷ đồng, còn lại 1.300 tỷ đồng để lại dự phòng chưa phân bổ.

Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết danh mục dự án cho các Bộ, ngành Trung ương và địa phương là 48.061,5 tỷ đồng. Còn lại 638,5 tỷ đồng chưa giao kế hoạch, gồm: 560 tỷ đồng của 3 dự án đang hoàn thiện thủ tục và 78,5 tỷ đồng không có nhu cầu sử dụng của 3 địa phương. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2016, đã giải ngân được trên 17.297 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.

Chính phủ cũng cho biết, tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án rất khác nhau. Có nhiều dự án giải ngân nhanh hoặc đã giải ngân hết số vốn kế hoạch song nhiều trường hợp giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân (5 Bộ, ngành và 11 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch; 5 Bộ, ngành và 9 địa phương chưa giải ngân). Với các dự án đã giải ngân hết kế hoạch, nhưng chưa được bổ sung vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư... Ngoài ra, một số dự án kết thúc hiệp định trong năm nay, nhà tài trợ không đồng ý cho kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau, do đó sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án và giữa các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Chính phủ đề nghị được chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016, Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỷ đồng) cho các dự án chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016, nhà tài trợ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2016. Cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu để bổ sung cho các Bộ, ngành khác. Đồng thời, điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các Bộ, ngành, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng theo nguyên tắc giảm vốn với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, để điều chuyển cho các dự án đã giải ngân cao hoặc giải ngân hết kế hoạch, cần bổ sung thêm vốn.

Lập lại kỷ cương, kỷ luật ngân sách

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch vốn một lần nữa khẳng định những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng dự toán, đề xuất danh mục, phân bổ, sử dụng nguồn vốn nước ngoài. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình, dự án đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện thì tình trạng trên là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc lập dự toán, phân bổ vốn phải đảm bảo tính hợp lý và được xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Nhất trí về chủ trương điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 để thúc đẩy tiến độ triển khai, giải ngân các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần trình phương án điều chỉnh vốn cụ thể đối với từng Bộ, ngành, địa phương đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, theo đa số ý kiến của thành viên UBTVQH, Tờ trình chưa nêu rõ phương án điều chuyển vốn đối với từng Bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn đề nghị UBTVQH giao Thủ tướng Chính phủ chủ động phân bổ, điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 và tổng hợp, báo cáo UBTVQH vào quý II năm 2017 là chưa đủ cơ sở để UBTVQH xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá những căn cứ điều chỉnh kế hoạch vốn của Chính phủ có nhiều điểm chưa thuyết phục, như: một số địa phương giải ngân rất chậm nhưng vẫn được đề nghị bổ sung vốn, 3 địa phương chưa có nhu cầu vẫn được phân giao vốn, 3 Bộ chưa hoàn thành thủ tục vẫn ghi vốn, hay có Bộ đã hoàn thành thủ tục nhưng lại không được bố trí vốn… Đây vẫn là những bất cập lớn trong quản lý, sử dụng vốn ODA lâu nay đặt ra vấn đề phải tăng cường quản lý để đưa việc quản lý vốn ODA vào nề nếp.

Nhắc lại câu chuyện chi 26 nghìn tỷ vốn nước ngoài không có dự toán năm 2014, khiến Quốc hội phải bổ sung dự toán rồi mới phê chuẩn quyết toán NSNN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, để tránh lặp lại tình trạng chi ODA vượt dự toán và thực hiện đúng Luật NSNN cũng như Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ cần chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương, thực hiện nghiêm quản lý nguồn vốn ngân sách, trong đó có vốn nước ngoài.

Về phương án điều chỉnh, phân bổ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và trình UBTVQH xem xét. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc phân bổ hay cắt giảm của các địa phương cũng phải giải trình cho rõ: “Vì sao 3 địa phương không có nhu cầu lại được bố trí vốn, vì sao Bộ Tư pháp chưa được giao kế hoạch vốn, vì sao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định đầu tư từ 2014 mà không bố trí vốn, năm 2016 cũng không đưa vào mà bây giờ mới đề nghị điều chuyển? Những vấn đề này khó hiểu lắm! Việc điều hòa vốn giữa các Bộ, ngành cũng phải làm cho chặt chẽ”.

Kết thúc phiên họp, UBTVQH thống nhất, Báo cáo của Chính phủ chưa đủ căn cứ để UBTVQH xem xét, kể cả về thẩm quyền, cũng như căn cứ điều chỉnh, đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh lại. Nếu thấy cần thiết, Chính phủ phải báo cáo rõ về những công trình cấp thiết, quan trọng, cần phân bổ ngay để trình UBTVQH xem xét. Nếu điều chỉnh tổng thể thì phải báo cáo Quốc hội.
ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
  • Phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Bước đầu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thu hồi hơn 77 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ không sử dụng hết trong hợp phần xây dựng hồ Tả Trạch để bố trí cho hợp phần đền bù di dân, tái định cư.
  • Trao kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hai gia đình chính sách tại Hưng Yên
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 10/8, tại xã Trung Hòa, huyệnYên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Công đoàn KTNN đã phối hợp với Công đoàn KTNN chuyênngành III tổ chức trao kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hai gia đìnhchính sách trên địa bàn. Tham dự buổi lễ có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ VănHọa; Chủ tịch Công đoàn KTNN Lê Huy Trọng và lãnh đạo KTNN chuyên ngành III.
  • Nỗi lo nợ xấu gia tăng
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong khi khối nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) mua về vẫn chưa được xử lý một cách triệt để thì nợ xấu lại có xu hướng gia tăng. Điều này khiến không ít chuyên gia tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của khối nợ này đối với hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế.
  • Phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 9/8, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.
  • Quyết liệt đổi mới trong phê chuẩn quyết toán trong ngân sách nhà nước
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Như tin đã đưa, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN đã được trình bày trước Quốc hội, theo quy định của Luật KTNN 2015. Báo cáo đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đánh giá cao. Theo các đại biểu, đây là một bước đổi mới trong công tác quyết định ngân sách của Quốc hội.
Chấn chỉnh việc phân bổ, sử dụng vốn nước ngoài