Chiều 21/7, KTNN đã tổ chức họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015. Theo đó, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị về xử lý tài chính 38.775 tỉ đồng.
Nguy cơ mất vốn lớn từ cổ phần hóa
Tại buổi họp báo, ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - KTNN, cho biết trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa (CPH) được 499 DN, trong đó số vốn nhà nước tại các DN theo giá trị sổ sách đã được thoái 26.222 tỉ đồng, thu về 36.537 tỉ đồng. Kết quả cho thấy phần lớn các DN nhà nước sau CPH đều có lãi, tăng thu cho NSNN, cải thiện thu nhập của người lao động…
Tuy nhiên, ở nhiều ngành, nhiều địa phương, việc thực hiện đề án CPH còn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ đề ra. Cụ thể, kết quả kiểm toán tại 7 DN cho thấy việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi CPH và định giá DN còn nhiều hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất... Đặc biệt, qua kiểm toán đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 20.000 tỉ đồng. Từ việc định giá theo phương pháp tài sản của 7 DN, KTNN xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tăng hơn 5.000 tỉ đồng.
Ông Trần Khánh Hòa (bìa phải) và ông Cao Tấn Khổng (giữa) công bố nhiều sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp, nộp thuế tại họp báo Ảnh: QUANG HIẾU
Trong đó điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hơn 440 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam 388 tỉ đồng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV trên 1.333 tỉ đồng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hơn 2.000 tỉ đồng...
Theo ông Trần Khánh Hòa, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản hơn 15.000 tỉ đồng.
Đủ kiểu lách thuế
Cũng theo KTNN, qua kết quả kiểm toán, thu NSNN năm 2015 đạt hơn 998.000 tỉ đồng, vượt 9,6% (trên 87.000 tỉ đồng) dự toán. Tuy nhiên, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán. Qua đó, KTNN đã xác định số tiền phải nộp NSNN tăng thêm hơn 11.000 tỉ đồng.
Trong đó, một số đơn vị có kiến nghị nộp ngân sách lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỉ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) 1.755 tỉ đồng, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO) 1.264 tỉ đồng...
Đáng chú ý, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm hơn 2.000 tỉ đồng. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách 2015 hơn 38.775 tỉ đồng, trong đó các khoản tăng thu hơn 11.000 tỉ đồng, giảm chi trên 16.000 tỉ đồng.
KTNN cũng đề nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở, trình phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài chậm.
Về việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã phản ứng rất mạnh trước kết luận phía KTNN đưa ra. Trả lời về vấn đề này tại buổi họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng khẳng định quá trình thực hiện kiểm toán luôn được làm rất nghiêm túc, căn cứ vào những bằng chứng sát thực, bằng văn bản cụ thể chứng minh, nếu không có là vi phạm pháp luật.
"Mỗi kết luận kiểm toán ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của đối tượng được kiểm toán, là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người. Do vậy, mỗi khi công bố kết luận kiểm toán phải đúng từng câu, từng chữ chứ không thể nói gì thì nói được" - ông Khổng quả quyết.
Nhiều địa phương dôi dư xe công Liên quan đến kết quả kiểm toán các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông, KTNN kết luận việc xác định tổng mức vốn đầu tư của dự án còn sai sót, xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế GTGT được nhà nước hoàn lại. KTNN còn kết luận một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như TP HCM, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bình Dương có tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính nhưng vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng. Việc thanh lý ô tô công chưa bảo đảm điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý tại Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các tỉnh Điện Biên, Đồng Nai, Bình Thuận và TP Cần Thơ. |
TheoTHẾ DŨNG
nld.com.vn