Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh: Nhiều gam màu sáng, tối

(BKTO) - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh vẫn tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn những “gập ghềnh” nhất định, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần tiếp tục nỗ lực không ngừng, kiên trì đẩy mạnh cải cách quyết liệt, đồng bộ hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

z4303170873925_d2da3a08ef9c9bef04a7af557647c014.jpg
Tỉnh Quảng Ninh 6 năm liên tiếp (2017-2022) giành vị trí quán quân Chỉ số PCI. Ảnh sưu tầm

Chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế

Nhìn lại chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm 2022, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, qua kết quả khảo sát từ gần 12.000 DN trong cả nước cho thấy những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh theo thời gian.

Trước hết, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến khá tốt khi giúp các DN tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Cụ thể, tỷ lệ DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm từ mức 26% của năm 2021 xuống còn 20% trong năm 2022. Đồng thời, gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng tiếp tục xu hướng giảm. Theo đó, tỷ lệ DN phản hồi tình trạng trùng lặp, chồng chéo nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 9,09% của năm 2021.

Một điểm sáng nữa được ghi nhận đó là tình trạng chi trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm từ năm 2016. Năm 2022, khoảng 42,6% DN có chi trả chi phí không chính thức, giảm mạnh từ mức 66% vào năm 2016. Đồng thời, quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể, khi chỉ khoảng 3,8% DN dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này, thấp hơn đáng kể so với mức 9,1% vào năm 2016. Ngoài ra, nhiều loại thông tin và tài liệu đã minh bạch hơn so với trước đây, đặc biệt là với các tài liệu quy hoạch…

Chia sẻ về những kết quả tích cực trên, từ góc nhìn quốc tế, bà Aler Grubbs - Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam - cho rằng, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các DN hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách

Mặc dù ghi nhận xu hướng tích cực về việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh theo thời gian, song theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, những kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng của DN và vẫn còn những tồn tại nhất định. Chẳng hạn, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục phổ biến đối với DN gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của DN, trong đó thủ tục trong các lĩnh vực về thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất. Ngoài ra, tiếp cận đất đai vẫn là rào cản lớn đối với nhiều DN và là một trong những nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh của DN bị hủy bỏ hoặc bị trì hoãn…

Từ thực tế môi trường kinh doanh vẫn còn những khó khăn nhất định, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, khơi thông các nguồn lực cho DN để cộng đồng DN có thể phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục tăng trưởng bền vững. Trong quá trình hiện thực mục tiêu đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành thì chương trình hành động và nỗ lực triển khai của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng; chính sách có đi nhanh được vào cuộc sống hay không, triển khai có hiệu quả tới DN và người dân hay không, đều phụ thuộc rất lớn vào hành động của chính quyền cấp tỉnh. Do đó, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến, tập trung cải cách trong các lĩnh vực DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định pháp luật…

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tỉnh 6 năm liên tiếp (2017-2022) giành vị trí quán quân Chỉ số PCI - cho biết, Quảng Ninh luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, với phương châm “giành được niềm tin của DN đã khó, mà để giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng lên tầm cao mới lại càng khó hơn”. Do đó, lãnh đạo tỉnh luôn chủ động nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, cũng như những khó khăn, thách thức của người dân và DN gặp phải để tìm cách tháo gỡ, giải quyết, với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”. Đồng thời, tỉnh mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và DN làm mục tiêu phấn đấu; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương.

Với vai trò đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, ông Phạm Tấn Công chia sẻ, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay lại chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ DN. “Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh: Nhiều gam màu sáng, tối