Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thấp kéo lùi nỗ lực cải cách

(BKTO) - Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật” vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Bộ Tư pháp nhận định: Trình độ của cán bộ tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn hạn chế dẫn đến có những đề xuất, ban hành không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, góp nhặt kinh nghiệm nước ngoài chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.



Quy định “trên trời” do cán bộ yếu kém

Đánh giá hơn 2 năm thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Võ Văn Tuyển cho biết, mặc dù công tác xây dựng VBQPPL đã dần đi vào nề nếp nhưng chất lượng văn bản vẫn đang là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm.

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 27.274 VBQPPL, giảm 28,5% so với năm 2016. Đáng lưu ý là qua kiểm tra, bước đầu, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.005 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, tăng 346 văn bản so với năm 2016.

Trong số các văn bản bị “tuýt còi” thời gian qua, đáng chú ý nhất là Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc người dân đổi Giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ bìa giấy sang vật liệu PET (nhựa nhiệt dẻo), vì “không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất”. Hay Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình lên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì không đảm bảo tính khả thi, gây hiểu sai trong dư luận.

Trước đó, làm việc với Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến phê bình của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Y tế khi Bộ này ban hành văn bản hành chính không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu DN phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các DN sản xuất muối phải bổ sung i-ốt. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã thừa lệnh Bộ trưởng ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là do các Bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL về trình tự, thủ tục xây dựng, nhất là việc đánh giá tác động, khảo sát, tổng kết thực tiễn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời. Đặc biệt, trình độ của một bộ phận cán bộ tham mưu ban hành văn bản còn nhiều hạn chế, yếu kém…

Nâng cao trình độ của cán bộ, nghiêm khắc hơn trong xử lývi phạm

Trên thực tế, pháp luật hiện hành đã có quy định về xử lý việc ban hành văn bản trái pháp luật, thậm chí, tùy mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cố tình ban hành VBQPPL sai trái. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một trường hợp nào được xử lý đúng như quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thẳng thắn cho rằng, báo cáo hằng năm đều chỉ ra những hạn chế cũng như giải pháp khắc phục, nhưng sau nhiều năm, chất lượng ban hành các VBQPPL vẫn không được cải thiện. Nguyên nhân là do cán bộ tham gia soạn thảo còn yếu. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật chỉ mới dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức; quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn vẫn chưa có.

Đánh giá về những hậu quả do các văn bản trái pháp luật gây nên, ông Võ Văn Tuyển cho rằng, một văn bản ban hành mà không được xã hội đón nhận sẽ tạo nên hiệu ứng dây chuyền, tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Tình trạng ban hành văn bản kém chất lượng để lại nhiều hệ lụy mà trước hết là làm cho việc điều hành của bộ máy nhà nước kém hiệu quả; gây tốn kém về tiền bạc và thời gian của toàn xã hội” - ông Tuyển phân tích.

Theo ông Lê Trọng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) - Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, những sai sót của công tác này vừa qua vẫn khá phổ biến và là rào cản kéo lùi nỗ lực cải cách chung của Chính phủ.

Do đó, ngoài khuyến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về ban hành văn bản; thúc đẩy sự phối hợp giữa cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản; tăng cường cơ chế kiểm soát trước và sau khi VBQPPL ban hành... ông Vinh cho rằng, cần có giải pháp đột phá, quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm trong xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó, trọng tâm là nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ tham gia xây dựng văn bản, kịp thời xử lý những cơ quan, cá nhân để xảy ra vi phạm.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 28-6-2018
Cùng chuyên mục
Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thấp kéo lùi nỗ lực cải cách