ChatGPT tác động như thế nào đến các doanh nghiệp công nghệ Việt?

Trước khi “cơn sốt” ChatGPT tới Việt Nam, các phần mềm trả lời tự động (chatbot) đã được nhiều công ty công nghệ Việt Nam cung cấp ra thị trường nhưng còn ở phạm vi hẹp. Các công ty công nghệ trong nước kỳ vọng sự xuất hiện của ChatGPT sẽ tạo thuận lợi hơn cho các chatbot của doanh nghiệp trong nước tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường.

chatgpt.jpg
ChatGPT sẽ tạo cơ hội hợp tác, phát triển cho doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa

Ứng dụng tốt nhất từ trước tới nay

Theo TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI), ChatGPT là một chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất. Chatbot là phần mềm có khả năng tương tác, hội thoại với người dùng qua text - chữ hoặc voice - giọng nói (callbot), thường dùng để trả lời các câu hỏi, hỗ trợ, tư vấn. Công nghệ này thường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phân tích và hiểu ý của người hỏi, tìm câu hỏi tương đồng trong bộ câu hỏi được xây dựng sẵn rồi trả lời.

TS. Đặng Minh Tuấn cho biết thêm, ChatGPT là Chatbot được OpenAI của Mỹ phát hành vào ngày 30/11/2022, dựa trên GPT-3. Với khả năng giao tiếp, tương tác với người dùng như người thật, ứng dụng này được xem là chatbot tốt nhất từ trước đến nay. Đặc điểm nổi bật của ChatGPT là trả lời câu hỏi được huấn luyện trên dữ liệu lớn với 175 tỷ tham số và 300 tỷ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng. ChatGPT chỉ lặp lại những gì đã được huấn luyện, không thể phân tích về ngữ nghĩa, cú pháp... và có những chức năng chính như: Tra cứu thông tin qua câu hỏi (trả lời thẳng câu hỏi, ngắn gọn); tạo nội dung theo yêu cầu theo nhiều lĩnh vực (kịch bản phim, truyện, khóa luận, viết bình luận, làm thơ, viết mã công nghệ thông dạng code, trả lời email…); dịch thuật và tóm tắt văn bản… ChatGPT có khả năng áp dụng trong hầu hết các ngành nghề nên ứng dụng này có thể hỗ trợ con người bất kỳ lĩnh vực nào.

Bên cạnh đó, ChatGPT có những hạn chế nhất định, như: Câu trả lời có thể không chính xác hoặc vô nghĩa, thiên kiến, gây tranh cãi; câu trả lời có thể chưa được cập nhật, thậm chí, nhiều câu trả lời của ChatGPT chưa cập nhật thông tin sau năm 2021. Phần lớn câu trả lời của ChatGPT đều thiếu dẫn nguồn, minh chứng, dẫn đến việc người dùng cần kiểm chứng. Bên cạnh đó, điểm yếu của ChatGPT là thiếu khả năng sáng tạo (những sáng tạo của ứng dụng này hiện tại chỉ trong khuôn khổ tổng hợp những gì đã được huấn luyện), khả năng suy diễn hạn chế (chỉ dựa vào xác suất, độ tương đồng và trọng số) do không phải là hệ cơ sở dữ liệu tri thức. Do đó, con người có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất lao động (tìm kiếm nhanh, gợi ý, ý tưởng...) nhưng cần kiểm chứng thông tin được trả lời.

11 ngành có thể hưởng lợi nhất từ ChatGPT: Thương mại điện tử và bán lẻ; chăm sóc sức khỏe; tài chính ngân hàng; viễn thông; giao thông vận tải và hậu cần; chế tạo; giáo dục; du lịch và khách sạn; địa ốc; giải trí; tiếp thị và quảng cáo.

Cơ hội hợp tác, phát triển các ứng dụng AI cho doanh nghiệp Việt

Chatbot không phải là công cụ mới. Tại Việt Nam, chatbot đã được một số doanh nghiệp sử dụng để làm tổng đài trả lời tự động, tư vấn bán hàng trực tuyến, tư vấn về y tế trong đại dịch Covid-19... Tại tỉnh Lạng Sơn, chatbot đã được sử dụng từ cuối năm 2021 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hơn 12.000 câu hỏi phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đến hết năm 2022, đã có trên 34.000 lượt tương tác của người dân, doanh nghiệp với chatbot này.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS - cho rằng, ở góc độ công nghệ, ChatGPT không phải là đột phá so với các sản phẩm AI khác từng được giới thiệu. Tuy nhiên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản của đội ngũ phát triển đã giúp cho ChatGPT trở thành một hiện tượng hiếm có khi chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi ra mắt, ứng dụng này đã có tới hơn 100 triệu người sử dụng. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhờ thế cũng được hưởng lợi. Cụ thể, nhờ ChatGPT, những người không liên quan đến công nghệ có thể hiểu và thích thú với các kết quả mà AI, chatbot mang lại cho con người. Nếu tận dụng được làn sóng này, các doanh nghiệp cho ra mắt các sản phẩm ứng dụng AI như chatbot sẽ được người dùng tiếp nhận nhiệt tình hơn trước đây. Tuy nhiên, sự thành công của ChatGPT cũng có thể khiến các sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc chưa thực sự xuất sắc, dễ bị so sánh, đánh giá và loại bỏ nhanh. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng thuật toán để cho ra đời các sản phẩm thực sự tốt hơn.

Các chuyên gia về công nghệ cho rằng, so với chatbot nước ngoài, chatbot do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển có lợi thế là có dữ liệu của địa phương. Các tập đoàn lớn của thế giới có thế mạnh về công nghệ và tiềm lực tài chính như: Google, Facebook, Amazon hoặc Microsoft… nhưng không hướng tới giải quyết các bài toán cụ thể, theo phạm vi hẹp, mang tính địa phương, do đó, các doanh nghiệp nội, ngoại có thể hợp tác để phát triển chatbot, AI. Đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam có thể hợp tác với các công ty lớn để phát triển.

PGS,TS. Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam - đánh giá, ChatGPT rất lý thú và hy vọng vào sự hoàn thiện của công cụ này. Người làm nghiên cứu và giảng dạy rất vất vả trong việc soạn thảo, chuẩn bị bài giảng, điều này sẽ có thể thay đổi nhờ ChatGPT. Nếu công cụ này chính thức vào Việt Nam, nó sẽ được sử dụng vào công việc hằng ngày của nhiều người. Sinh viên có thể dùng nó trong việc làm khóa luận, báo chí cũng có thể dùng thông tin từ ChatGPT để viết bài… Tuy nhiên, cần có quy định quản lý cụ thể để khai thác những thế mạnh và hạn chế mặt tiêu cực của chatbot này./.

Cùng chuyên mục
  • Tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, đảm bảo quản trị rủi ro
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện nhưng mức độ cải thiện rất chậm và vẫn còn khoảng cách so với các ngân hàng trong khu vực. Để nâng cao tỷ lệ này nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hoạt động, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn và xúc tiến các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
  • Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu: Tạo động lực cho doanh nghiệp, hài hòa với lợi ích của người dân
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
  • Lạm phát vẫn tăng mạnh tại các quốc gia châu Âu
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Lạm phát tại Pháp và Tây Ban Nha tiếp tục tăng trong tháng 2 do thực phẩm và dịch vụ đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, tại Anh lạm phát giá thực phẩm đã lên mức kỷ lục trong bối cảnh người dân nước này đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
  • Thu ngân sách Nhà nước tháng 02/2023 tăng 10,6%
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thu ngân sách Nhà nước 02 tháng đầu năm 2023 ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
  • Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 02/2023 tăng mạnh
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 02/2023 được các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đặc biệt là các dự án chuyển tiếp.
ChatGPT tác động như thế nào đến các doanh nghiệp công nghệ Việt?