Hệ số CAR đã cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp trong khu vực
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, CAR của ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đạt 12,29%; còn khối NHTM có vốn nhà nước đạt 9,04%... Như vậy, tỷ lệ này của các ngân hàng Việt đảm bảo cao hơn so với quy định (theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, CAR của các ngân hàng phải đảm bảo tối thiểu là 8% để phù hợp với Basel II).
Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, CAR của các ngân hàng Việt có sự cải thiện tốt những năm gần đây, khi các ngân hàng từng bước tiến tới những tiêu chuẩn cũng như thông lệ quốc tế và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Tuy nhiên, theo VnDirect, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. CAR trung bình của ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với CAR của các ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của ngân hàng: Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cũng nhận định, CAR của các ngân hàng tại Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực bởi các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu: Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, CAR của các NHTM đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%.
Tại Việt Nam, hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó, 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III. Do vậy, theo các chuyên gia, tăng vốn là một trong những yêu cầu cần thiết để các ngân hàng hoàn thiện các trụ cột của Basel II, hướng tới Basel III và hoàn thành các mục tiêu của Đề án trên. Đồng thời, tăng vốn cũng giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số CAR theo quy định cũng như có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn, M&A
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD nghiên cứu, ban hành cơ chế về CAR theo chuẩn mực Basel 2. Cùng với đó, NHNN sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước.
Trước đó, lãnh đạo 4 NHTM nhà nước cũng từng bảy tỏ mong muốn sớm được tăng vốn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023. “Trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, CAR còn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế, việc tăng vốn là cần thiết để ngân hàng có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước; đồng thời hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2-3 NHTM nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất (về tài sản) trong khu vực châu Á” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng đề xuất.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VCSC kỳ vọng hoạt động tăng vốn trở lại vào năm 2023, dù đây sẽ là áp lực không nhỏ đối với các ngân hàng trong năm nay. Trên thực tế, để nâng cao năng lực tài chính và quản trị rủi ro, đầu năm nay, một số ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn. Điển hình là tại Vietcombank, Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây của Ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018. Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank cùng Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh và Ngân hàng TMCP Quân đội đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Việc này được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội tăng vốn cho các ngân hàng. Cùng với đó, để tăng vốn, một số ngân hàng cũng đã nỗ lực chuẩn bị cho các thương vụ M&A. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang trong quá trình làm việc với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài về lộ trình bán 15% cổ phần. Nếu hoàn tất thương vụ này, nhiều khả năng, VPBank sẽ vươn lên trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất, nhì hệ thống.
Giới chuyên gia kỳ vọng, các kế hoạch tăng vốn cùng những tín hiệu tích cực từ thị trường M&A sẽ là cơ hội để các ngân hàng nâng cao tiềm lực tài chính, cải thiện hệ số CAR cũng như năng lực quản trị rủi ro, hướng tới chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất./.
CAR đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của ngân hàng, được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng xây dựng và phát triển. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.