Lạm phát vẫn tăng mạnh tại các quốc gia châu Âu

(BKTO) - Lạm phát tại Pháp và Tây Ban Nha tiếp tục tăng trong tháng 2 do thực phẩm và dịch vụ đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, tại Anh lạm phát giá thực phẩm đã lên mức kỷ lục trong bối cảnh người dân nước này đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

lam-phat-ukparentslounge.com.jpeg
Các quốc gia châu Âu vẫn chưa thoát khỏi "cơn bão" lạm phát - Ảnh minh họa

Lạm phát tại Pháp và Tây Ban Nha trong tháng 2 tiếp tục tăng do thực phẩm và dịch vụ đồng loạt tăng giá. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, lạm phát tại 2 nước này tăng sau khi giảm vào tháng cuối của năm 2022.

Báo cáo sơ bộ của Cơ quan thống kê Pháp (Insee) công bố ngày 28/2 cho biết lạm phát trong tháng 2 của Pháp là 6,2%, tăng so với mức 6,0% của tháng trước đó.

Theo Insee, giá thực phẩm tại Pháp trong tháng này đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ mức 13,3% của tháng 1. Trong khi đó, giá năng lượng giảm từ mức tăng 16,3% của tháng trước còn 14% trong tháng 2 này.

Giá tiêu dùng leo thang đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Pháp đã lên mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 80 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, tăng giá tại Pháp vẫn thấp hơn so với nhiều nước láng giềng trong khu vực sử dụng đồng euro mà nguyên nhân một phần nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, lạm phát của nước này trong tháng 2 đã tăng từ mức 5,9% của tháng 1 lên 6,1% do giá thực phẩm và điện tăng cao. Lạm phát lõi - không tính giá năng lượng và thực phẩm tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu này, tăng tới 7,7% trong tháng 2 so với mức tăng 7,5% của tháng trước đó.

Giống như các quốc gia khác trên khắp châu Âu, Tây Ban Nha đã phải vật lộn với lạm phát tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và mở cửa nền kinh tế trở lại sau dịch COVID-19.

Lạm phát của nước này từng lên mức đỉnh 10,8% vào tháng 7/2022, buộc Chính phủ Tây Ban Nha công bố một loạt biện pháp hỗ trợ chi phí sinh hoạt của người dân. Các biện pháp này đã tiêu tốn khoảng 50 tỷ euro (53 tỷ USD) của Tây Ban Nha từ đầu năm 2022.

Trong khi đó, kinh tế Phần Lan đã rơi vào suy thoái trong quý 4/2022, còn kinh tế Thụy Điển giảm sút mạnh hơn dự báo ban đầu.

Theo số liệu thống kê chính thức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Phần Lan giảm 0,6% trong quý thứ 2 liên tiếp xuống mức âm. Trong dự báo mới nhất hồi tháng 12/2022, chính phủ và ngân hàng trung ương Phần Lan dự báo GDP sẽ giảm nhẹ vào năm 2023, khoảng 0,2%, trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2024 và 2025.

Tại Thụy Điển, GDP của nước này trong quý 4/2022 giảm 0,9%, sâu hơn mức dự báo 0,6% được đưa ra đầu tháng 2/2023

Ngân hàng trung ương Thụy Điển dự kiến GDP sẽ giảm 1,1% trong năm nay, tương đương với mức trung bình của châu Âu, theo dự báo mới nhất được công bố vào đầu tháng 2/2023.

lam-phat-anh.jpeg
Giá thực phẩm tại Anh trong tháng 2 đã tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh minh họa

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nước Anh. Theo kết quả khảo sát của hãng Kantar công bố ngày 28/2, lạm phát giá thực phẩm tại Anh đã lên mức kỷ lục.

Kantar đã tiến hành theo dõi giá cả của hơn 75.000 sản phẩm trong giai đoạn 4 tuần kết thúc vào ngày 19/2. Kết quả cho thấy giá cả đã tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi Kantar bắt đầu khảo sát vào năm 2008.

Nghiên cứu cũng cho thấy lạm phát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm là mối lo tài chính lớn thứ hai đối với người dân Anh, sau khi chi phí năng lượng leo thang. Ước tính có khoảng 25% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính trong tháng 1, khi Kantar tiến hành khảo sát gần 10.000 người tiêu dùng. Con số này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, lạm phát toàn cầu đã lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ khi xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh đã đạt đỉnh ở mức 11,1% trong tháng 10/2022 trước khi giảm xuống còn 10,1% vào tháng 1/2023. Lạm phát hiện đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi chi phí năng lượng giảm dần.

Cùng chuyên mục
Lạm phát vẫn tăng mạnh tại các quốc gia châu Âu