Chi đầu tư phát triển: Dự toán chưa sát, giải ngân thấp, nợ đọng cao

(BKTO) - Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 được Quốc hội giao 597.147 tỷ đồng. Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) xác nhận quyết toán 615.640 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương 138.131 tỷ đồng; ngân sách địa phương 477.509 tỷ đồng), bằng 103,1% dự toán, tăng 18.493 tỷ đồng, bằng 21,2% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (2.897.466 tỷ đồng). Tuy nhiên, thực tế kiểm toán cho thấy dự toán chi đầu tư phát triển chưa sát thực tế, tỷ lệ giải ngân vốn thấp và nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn cao.

dtu.jpg
KTNN xác nhận quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2022 là 615.640 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán. Ảnh minh họa: ST

Lập, phân bổ và bố trí kế hoạch vốn chưa sát thực tế

Qua kiểm toán cho thấy, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành văn bản hướng dẫn chậm so với quy định, một số văn bản có nội dung hướng dẫn chưa phù hợp.

Việc lập, giao Kế hoạch đầu tư công (KHĐTC) năm 2022 tại một số bộ, cơ quan trung ương địa phương còn hạn chế, đáng chú ý như: dự kiến kế hoạch vốn cho cả dự án đã được bố trí đủ vốn ngân sách trung ương (NSTW) để hoàn thành; dự kiến kế hoạch vốn cho dự án chưa sát thực tế dẫn đến không giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp; dự kiến kế hoạch vốn năm 2022 vượt KHĐTC trung hạn; hoàn thiện KHĐTC gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chậm so với quy định.

Kết quả kiểm toán công tác lập, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư dự án cũng cho thấy còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn chậm so với quy định; chưa phân bổ ngay từ đầu năm (Tòa án nhân dân tối cao 658,7 tỷ đồng; tỉnh Nam Định 1.485,5 tỷ đồng, Kon Tum 594,41 tỷ đồng, Hưng Yên 292,91 tỷ đồng, Lâm Đồng 356,84 tỷ đồng, Ninh Bình 671,02 tỷ đồng, Sơn La 642,76 tỷ đồng; Thái Nguyên 2.863,56 tỷ đồng…).

KTNN cũng chỉ rõ vấn đề phân bổ vượt tổng mức đầu tư được duyệt, ngoài danh mục kế hoạch năm và vượt nhu cầu đăng ký của đơn vị, không đúng đối tượng; chưa phân bổ đủ vốn cho dự án chuyển tiếp, dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Cùng với đó là tình trạng bố trí kế hoạch vốn chưa sát thực tế, phải hủy kế hoạch vốn, phải điều chỉnh kế hoạch vốn; chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, quá thời gian quy định; chưa ưu tiên bố trí dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; bố trí cho dự án khởi công mới khi chưa có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thiếu thủ tục đầu tư; chưa bố trí đủ vốn đối ứng (tỉnh Thanh Hóa 2.088,731 tỷ đồng; Ninh Thuận 32,26 tỷ đồng, Phú Yên 72,61 tỷ đồng) hoặc vượt KHĐTC trung hạn; bố trí cho dự án khi chưa được bổ sung vào KHĐTC trung hạn.

Tỉnh Long An đã bố trí vốn điều lệ cho các Quỹ tài chính ngoài ngân sách không có trong KHĐTC trung hạn, khi chưa có quyết định thành lập Quỹ hoặc bổ sung vốn điều lệ chưa phù hợp các tiêu chí, điều kiện dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn; điều chuyển, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn chậm so quy định; Bộ Giao thông vận tải chưa bố trí thu hồi vốn ứng trước (2.150,7 tỷ đồng); một số địa phương ứng trước chưa đúng quy định.

Giải ngân đạt thấp, nhiều dự án phải đề nghị kéo dài thời gian

Qua kiểm toán cho thấy, còn tình trạng 44 dự án nguồn NSTW được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 hoặc hủy bỏ với tổng số vốn là 2.029 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022 (trong đó được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng, hủy bỏ 1.418 tỷ đồng).

dau-tu.jpg
Những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư công được thúc đẩy triển khai nhằm phục vụ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: ST

Còn một số dự án, một số địa phương được Bộ KH&ĐT thông báo kéo dài kế hoạch vốn nguồn NSTW song hồ sơ tài liệu tại Bộ KH&ĐT chưa đủ điều kiện để xác định đáp ứng điều kiện phép kéo dài theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP.

Tại một số địa phương được kiểm toán, còn tình trạng kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện chưa đúng quy định (tỉnh Hưng Yên 179,53 tỷ đồng, Khánh Hòa 17,41 tỷ đồng, Ninh Bình 20 tỷ đồng) hoặc chưa được HĐND quyết định (Thanh Hóa 70,68 tỷ đồng, Bắc Giang 2.224,29 tỷ đồng); HĐND tỉnh Bắc Giang giao HĐND cấp huyện, xã quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân theo phân cấp ngân sách chưa đúng quy định.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong năm, phải đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 của 79 dự án với tổng số đề xuất kéo dài 2.335,732 tỷ đồng, chưa đảm bảo thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn NSTW năm 2022 tại Tờ trình số 268/TTr-CP ngày 09/8/2022 của Chính phủ.

Đến thời điểm kiểm toán, Bộ KH&ĐT chưa tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư để báo cáo Chính phủ theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 59 Luật Đầu tư công.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thấp so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến ngày 16/02/2023 có 04 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương đề xuất điều chỉnh giảm 13.131 tỷ đồng KHĐTC vốn nước ngoài cấp phát từ NSTW năm 2022.

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi năm 2022 chỉ đạt tỷ lệ 47% (18.930,619/40.118,600 tỷ đồng); mặt khác, theo báo cáo của Bộ Tài chính còn một số khoản giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi 4.445,534 tỷ đồng (gồm 22 dự án tại 05 bộ, cơ quan trung ương là 3.234,59 tỷ đồng, 34 dự án tại 23 địa phương là 1.210,944 tỷ đồng).

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho thấy, còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là 3.268,346 tỷ đồng (bộ, cơ quan trung ương là 1.194,569 tỷ đồng, địa phương là 2.073,776 tỷ đồng).

Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, tiết kiệm qua đấu thầu chưa cao

Kết quả kiểm toán cho thấy, có tình trạng phân bổ nguồn tăng thu NSNN để thanh toán nợ đọng XDCB chưa đúng quy định khoản 2, Điều 59 Luật NSNN; một số bộ, địa phương không bố trí kế hoạch vốn ĐTCTH để trả nợ đọng XDCB.

Số nợ đọng XDCB đến 31/12/2022 còn lớn (Bộ GD&ĐT 24,1 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT 52,4 tỷ đồng, Bộ GTVT 986,13 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa 754,78 tỷ đồng, Quảng Ngãi 332,49 tỷ đồng, Ninh Bình 3.671,6 tỷ đồng, Hà Tĩnh 564,38 tỷ đồng, Thái Bình 3.204,38 tỷ đồng, Nam Định 1.582,3 tỷ đồng, Bình Định 579,69 tỷ đồng, Quảng Nam 964,64 tỷ đồng, Lào Cai 307 tỷ đồng, Phú Thọ 745,29 tỷ đồng, Tuyên Quang 173,16 tỷ đồng…), trong đó còn nợ đọng XDCB trước ngày 01/01/2015 số tiền 2.163,74 tỷ đồng (trong đó riêng tỉnh Ninh Bình nợ đọng 1.936,25 tỷ đồng, Quảng Nam 73,49 tỷ đồng, Bộ GTVT 73,77 tỷ đồng).

Nhiều địa phương vẫn để phát sinh nợ đọng XDCB trong năm 2022 (Thanh Hóa 385,79 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 116,06 tỷ đồng, Hà Tĩnh 468,37 tỷ đồng, Quảng Bình 106,12 tỷ đồng, Quảng Ngãi 104,3 tỷ đồng, Thái Bình 1.594,1 tỷ đồng, Nam Định 361,38 tỷ đồng, Bình Định 397,86 tỷ đồng...); còn trường hợp không theo dõi nợ đọng XDCB.

Liên quan đến hoạt động đấu thầu, qua kiểm tra số liệu do Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cung cấp cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu qua mạng còn thấp (khoảng 2,34%), chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ tiết kiệm chung (4,72%). Cụ thể, đấu thầu lĩnh vực hàng hóa tiết kiệm đạt 4,38% (hàng hóa chung 10,74%); lĩnh vực xây lắp tiết kiệm đạt 1,53% (xây lắp chung 2,07%); lĩnh vực phi tư vấn tiết kiệm đạt 3,86% (phi tư vấn chung 5,74%) và lĩnh vực tư vấn tiết kiệm đạt 5,02% (tư vấn chung 4,05%). Số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng chưa cao, trung bình 1,86 nhà thầu/01 gói thầu (208.746 nhà thầu/112.316 gói thầu).

Ngoài ra, qua kiểm toán một số dự án sử dụng nguồn vốn NSNN năm 2022 có một số bất cập do chậm thẩm định, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc Kế hoạch còn nội dung chưa phù hợp, đầy đủ; xác định hình thức hợp đồng chưa phù hợp; áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đảm bảo quy định; hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung, đưa ra tiêu chí làm hạn chế tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, phân chia gói thầu chưa phù hợp; không đăng tải thông tin đấu thầu; tỷ lệ tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa đảm bảo quy định.

Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án; công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; công tác đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng, quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán cũng như quản lý tiến độ dự án./.

Cùng chuyên mục
Chi đầu tư phát triển: Dự toán chưa sát, giải ngân thấp, nợ đọng cao