Ghi nhận lợi nhuận một số TĐ, TCT đạt cao, nhưng còn hạn chế trong quản lý vốn, tài sản
Năm 2023, KTNN đã kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 TĐ, TCT. Kết quả kiểm toán cho thấy 11/11 TĐ, TCT sản xuất kinh doanh có lãi. Đáng chú ý như lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVN là 58.244,56 tỷ đồng; Vinachem là 7.275,02 tỷ đồng; ACV là 7.237,37 tỷ đồng; VRG là 4.797,14 tỷ đồng; VEC là 1.950,30 tỷ đồng; Mobifone là 1.974,84 tỷ đồng; Becamex là 1.723,8 tỷ đồng; Saigontourist là 309,12 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao, tiêu biểu như Vinachem đạt 33%; ACV đạt 17,75%; Mobifone đạt 13,17 %; PVN đạt 11,5%; VRG đạt 8,98%...
Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đánh giá việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các DN còn một số hạn chế, trong đó có những hạn chế đã được KTNN chỉ ra từ những kỳ kiểm toán trước tại nhiều DNNN. Đó là phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn tăng 2.680,92 tỷ đồng và điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 756,49 tỷ đồng, giảm 100,19 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 7,96 tỷ đồng, giảm 2.679,07 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị tăng thu NSNN 3.486,39 tỷ đồng, giảm thuế GTGT được khấu trừ 6,19 tỷ đồng.
KTNN cũng phát hiện một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, bất cập này hiện diện tại nhiều DN cao su, dầu khí, hóa chất và dệt may.
Nhiều DN quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, như Công ty CP 715 là 8,09 tỷ đồng, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam 3,59 tỷ đồng; ACV 4.280,08 tỷ đồng; Công ty mẹ Saigontourist 187,29 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lữ hành Saigontourist 5,51 tỷ đồng; Mobifone 363,42 tỷ đồng (trong đó Công ty mẹ 362,19 tỷ đồng)…
Cũng nằm trong số các sai sót đã xảy ra tại nhiều đơn vị mà KTNN từng chỉ ra, kết quả kiểm toán năm 2023 tiếp tục cho thấy, tại một số DN còn để nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi; bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt mức bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ, miễn giảm lãi nhưng không ký phụ lục hợp đồng, trong đó có một số DN ngành cao su, dầu khí, hóa chất, hàng không.
Một số TĐ, TCT trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định (có TĐ trích thừa tới hàng trăm tỷ đồng và có TCT trích thiếu hơn 2,7 tỷ đồng); vẫn còn tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, kém phẩm chất, chậm luân chuyển. Nhiều DN chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa một số tài sản, chẳng hạn như Mobifone, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị.
Kết quả kiểm toán còn chỉ ra, tại một vài đơn vị có số liệu kiểm kê kho chênh lệch với số liệu trên sổ kế toán; chưa kiểm kê đầy đủ tài sản thuộc các dự án đường cao tốc, chưa kiểm kê một số vật tư, thiết bị dự phòng. Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định có tình trạng trích thừa, trích thiếu, như ACV trích thừa 76,59 tỷ đồng; Vinatex trích thừa 1,5 tỷ đồng; trong khi Mobifone trích thiếu 26,77 tỷ đồng; VEC trích thiếu 93,45 tỷ đồng...
Việc đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả, chẳng hạn như tại thời điểm 31/12/2022, Công ty Dịch vụ Mobifone khu vực 8 còn tồn 6.935 thiết bị Router Wifi (tương đương 7,24 tỷ đồng) do Mobifone yêu cầu chuyển sang hệ thống gói cước mới.
Quản lý và đầu tư tài chính chưa thực sự hiệu quả
Qua kiểm toán cho thấy, một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao như tại Công ty mẹ - VEC, Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ.
Một số DN thực hiện bảo lãnh thanh toán không đúng quy định hoặc phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, có TĐ phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh cho các đơn vị thành viên vay vốn đến nay chưa thu hồi được nợ, có TĐ bảo lãnh cho đơn vị thành viên vượt mức quy định.
KTNN cũng phát hiện một số DN chưa chi trả đầy đủ cổ tức phát sinh từ nhiều năm cho các cổ đông (Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam 6,33 tỷ đồng trong đó từ trước năm 2022 là 5,93 tỷ đồng; Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam 3,38 tỷ đồng trong đó từ trước năm 2022 là 2,69 tỷ đồng…); hoặc chưa được chia cổ tức (Công ty CP Phát triển Công nghiệp và Đô thị Việt Nam - Singapore, Công ty CP Vật liệu Xây dựng Becamex, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Công ty CP Bệnh viện Mỹ Phước; Saigontouris có 03 công ty có số dư lợi nhuận chưa chia đến 31/12/2022 lớn nhưng nhiều năm chưa chia lợi nhuận, theo thỏa thuận phân chia thì lợi nhuận của Saigontourist là 420,39 tỷ đồng (Công ty liên doanh Hữu hạn Khách sạn Chains Caravelle 103,17 tỷ đồng; Công ty liên doanh khách sạn Saigon Inn 232,48 tỷ đồng; Công ty Liên doanh Đại Dương 84,73 tỷ đồng).
Tại một số DN, có tình trạng DN đầu tư chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt. Một số TĐ, TCT và đơn vị thành viên chưa nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh số tiền đã trích nhưng sử dụng không hết, chưa hạch toán phần giá trị còn lại của tài sản cố định hình thành từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN khi chuyển từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ sang hoạt động sản xuất kinh doanh; bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt (Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long).
Vấn đề đáng chú ý đã được KTNN chỉ ra tại nhiều DNNN khác, đến nay vẫn tiếp diễn, khi một số đơn vị đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao; hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, trong đó, tại Dofico, 03/08 công ty con lỗ lũy kế 122,21 tỷ đồng (Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long 115,34 tỷ đồng; Công ty CP Xuất nhập khẩu Đồng Nai 6,55 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thọ Vực 0,3 tỷ đồng); tại Công ty mẹ - Saigontourist, 10/10 công ty con lỗ lũy kế 505,84 tỷ đồng, trong đó 02 công ty không bảo toàn và phát triển vốn (Công ty CP Du lịch Saigon Ninh Chữ, Công ty CP Du lịch Đắk Lắk).
Cùng với đó, một số khoản đầu tư của TĐ, TCT vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, đơn cử Công ty mẹ - Dofico đầu tư vào 03 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư tài chính khác lỗ lũy kế 137,55 tỷ đồng; Công ty mẹ - Saigontourist đầu tư vào 16/30 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 1.006,23 tỷ đồng, 04/14 khoản đầu tư khác lỗ 11.357,81 tỷ đồng; Công ty mẹ - Becamex đầu tư vào 04/22 đơn vị lỗ lũy kế 905,33 tỷ đồng…
Bất cập trong quản lý chi phí, giá thành và sử dụng đất
Tình trạng các đơn vị quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; chưa xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu hoặc tiêu hao nguyên, nhiên liệu vượt định mức đơn vị quy định; trích vượt quỹ lương được duyệt; khuyến mại không đúng quy định; chưa kê khai giá bán hoặc kê khai chậm theo quy định trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép hoặc khai thác vượt trữ lượng cấp phép... vẫn tiếp tục diễn ra.
Trong quản lý sử dụng đất, một số đơn vị còn diện tích đất chưa đủ hồ sơ pháp lý: Becamex có 02 cơ sở nhà đất chưa thực hiện sang tên và 01 khu đất chưa ký hợp đồng thuê đất; Công ty mẹ - Saigontourist (12,69 ha), Công ty CP du lịch Đắk Lắk (1,22 ha), Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (0,01ha); chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN (Công ty mẹ - Saigontourist từ 2020 đến 2022 chưa nộp tiền thuê đất 136,58 tỷ đồng do chưa có thông báo nộp tiền thuê đất của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh; Công ty TNHH Liên doanh Hoa Việt từ năm 2011 đến thời điểm kiểm toán chưa đăng ký, kê khai, tính và nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với diện tích 300 ha).
Tại một số TĐ, TCT, cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Người đại diện phần vốn chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ, trong đó cần nhắc tới Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh, Công ty CP Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng, Công ty CP Vận tải Hàng không miền Nam, Công ty CP thương mại hàng không miền Nam; Công ty CP Du lịch Đắk Lắk; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty mẹ - Vinatex.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 cho thấy Công ty mẹ chậm bàn giao tài sản (13,95 tỷ đồng) của Ban Quản lý dự án Thủy điện 5 cho EVN; chưa nộp về NSNN tiền thu từ cổ phần hóa còn phải nộp theo quy định, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai 6.029.746,5 m2 đất, chưa trả lại 16.798 m2 đất cho Nhà nước theo Phương án cổ phần hóa.
Công ty mẹ xác định kết quả kinh doanh từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác, qua kiểm toán điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 22,31 tỷ đồng, đồng thời kết quả kiểm toán xác định giá trị phần vốn của chủ sở hữu tại Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần giảm 10,54 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN 12,9 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo KTNN, việc tiếp tục xảy ra các sai phạm tại các DN thuộc trách nhiệm của chính DN và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Qua kiểm toán, trường hợp DN tiếp tục sai phạm thì KTNN tiếp tục kiến nghị các biện pháp xử lý tương xứng./.