Chỉ số Doing Business - chỉ dấu cải thiện môi trường kinh doanh

(BKTO) - Nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN đã được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 28/10 vừa qua.



Cải cách đang có xu hướng chững lại

Đặt kết quả xếp hạng Doing Business của WB trong mối tương quan với thực tiễn cải cách của Việt Nam những năm vừa qua, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM - nhận định, trong 2 năm gần đây, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện nhưng rất chậm, thứ hạng mỗi năm bị giảm đi một bậc (vị trí 68 năm 2017; 69 năm 2018 và 70 năm 2019). Cải cách đang có xu hướng chững lại trong năm 2018-2019.

Phân tích cụ thể về kết quả xếp hạng 10 chỉ số Doing Business, bà Thảo nêu rõ, trong khi năm 2017 có tới 5 chỉ số được WB ghi nhận có cải cách thì đến năm 2018 chỉ còn 3 chỉ số được ghi nhận. Con số này tiếp tục giảm vào năm 2019 khi chỉ có 2 chỉ số được WB ghi nhận cải cách. Nhìn chung cho cả giai đoạn 2016-2019, chỉ 2 chỉ số được đánh giá có cải thiện vượt trội, gồm: Tiếp cận điện năng (tăng 69 bậc), Nộp thuế và BHXH (tăng 58 bậc). Cũng trong giai đoạn này, 3 chỉ số được đánh giá là tăng hạng bởi có những cải cách đáng kể (Tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, Nộp thuế và BHXH) và 1 chỉ số tăng hạng bởi các nước khác giảm bậc (Giải quyết phá sản DN). Trong khi đó, có tới 4 chỉ số giảm bậc, gồm: Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 11 bậc, Bảo vệ nhà đầu tư giảm 10 bậc, Đăng ký tài sản giảm 5 bậc và Cấp phép xây dựng giảm 1 bậc. Nếu so kết quả của 10 chỉ số năm 2019 với năm 2018, có 3 chỉ số tăng hạng, 1 chỉ số duy trì thứ hạng, còn 6 chỉ số giảm bậc, trong đó có tới 4 chỉ số mà không có một cải cách nào được ghi nhận.

Điểm lại quá trình từ năm 2008 đến nay, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nêu rõ, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận bởi Doing Business từ năm 2008-2020 và xu hướng đang giảm dần trong 3 năm gần đây. Trong đó, những nỗ lực được ghi nhận nhiều nhất thuộc về lĩnh vực tiếp cận tín dụng, nộp thuế, thành lập DN, bảo vệ cổ đông thiểu số. Nhưng có những lĩnh vực có rất ít cải cách được ghi nhận như: cấp phép xây dựng, xử lý DN mất khả năng thanh toán, thực thi hợp đồng, thậm chí có lĩnh vực không hề có cải cách nào được ghi nhận như đăng ký tài sản.

Ông Tuấn nhận định, khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện có dấu hiệu giảm bớt, nhưng nhiều DN vẫn còn quan ngại về thủ tục hậu đăng ký DN. Bởi khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch vẫn đang là 2 khó khăn chính đối với DN. Bên cạnh đó, mặc dù tiếp cận điện năng tốt nhưng hạ tầng giao thông còn yếu kém. DN cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng... Thủ tục hành chính thuế và thủ tục hải quan đã có những cải thiện tích cực trong những năm qua, tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cần phải cải thiện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Thúc đẩy cải cách để tạo động lực cho doanh nghiệp

Soi chiếu để đánh giá về thực trạng cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM - nhấn mạnh, có những chỉ số của chúng ta so với chính mình thì có sự cải thiện, nhưng so với khu vực và thế giới thì vẫn rất “xấu hổ” vì chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Có thể thấy, chúng ta vẫn đang thiếu động lực cải cách, có sự giằng co và thiếu định hướng trong cải cách. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có cải cách mạnh trong lĩnh vực tư pháp thì chúng ta không thể cải cách được, chỉ khi tư pháp và tòa án tạo được lòng tin trong DN thì chất lượng thị trường, hoạt động kinh doanh mới tốt lên, để khi thất bại trong kinh doanh thì DN có chỗ níu chân và có động lực để làm lại, tiếp tục vươn lên.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại lớn với DN. Thực tế cho thấy, có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước; quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm được cải cách. Nếu không có tầm nhìn rõ ràng trong quản lý, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng gia tăng thêm quản lý chuyên ngành. Như vậy, DN Việt Nam rất khó để hoạt động. Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với DN; chi phí không chính thức còn phổ biến; cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau...

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc phải đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất mới mang lại hiệu quả. Để các chỉ số xếp hạng của Việt Nam được cải thiện trong những năm tới, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cần dành sự quan tâm thỏa đáng tới các chỉ số nhiều năm không có cải thiện hoặc cải thiện chậm như: Giao dịch thương mại qua biên giới, Đăng ký tài sản... Đồng thời, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho DN thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào, hình thức.

Cùng với đó, cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ xác định về cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý, khả năng cạnh tranh, cũng như nhân rộng các sáng kiến cải cách và phương thức quản lý hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt - đại diện CIEM nêu rõ.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng ước đạt 59,1 tỷ USD
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2019 ước đạt 59,1 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 33,18 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 25,9 tỷ USD, giảm 0,5%, xuất siêu 7,3 tỷ USD (cao hơn 664 triệu USD so với cùng kỳ năm trước).
  • Cởi trói chính sách, điện nông thôn bừng sáng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Được cởi trói về cơ chế và chính sách, việc cải thiện lưới điện hạ áp nông thôn của Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế các địa phương nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Đây là đánh giá được đưa ra khi cùng nhìn lại kết quả 22 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Khóa X về tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn.
  • Nhập khẩu có tác động mạnh tới giá thịt gà và nguồn cung trong nước?
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Lãnh đạo Bộ Công Thương vừa khuyến cáo, cần phải kiểm soát tình hình chăn nuôi gà thịt, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán như hiện nay.
  • Áp dụng IFRS:  Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính (IFRS). Để áp dụng thành công IFRS, các DN cần chuẩn bị những hành trang cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có sự nỗ lực của DN thôi chưa đủ…
  • Thiếu chính sách ưu đãi, công nghiệp ô tô khó phát triển
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, để ngành công nghiệp và phụ tùng ô tô thực sự trở thành một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, bắt kịp với các nước trong khu vực, các nhà quản lý, cơ quan hữu quan cần phải hoàn thiện chính sách thuế và có những giải pháp hỗ trợ tài chính thiết thực.
Chỉ số Doing Business - chỉ dấu cải thiện môi trường kinh doanh