Chi thường xuyên đảm bảo đúng định hướng nhưng nhiều khoản có thể giảm chi

(BKTO) - Mặc dù tỷ trọng chi thường xuyên năm 2020 theo số liệu quyết toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) bằng 59,3% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo đúng định hướng của Quốc hội tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 và của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW là giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN, song trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách chi thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị còn nhiều tồn tại, bất cập.



                
   

Năm 2020, chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề đạt 81,9%. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Tỷ lệ thực hiện một số nhiệm vụ chi thường xuyên thấp

Số liệu quyết toán chi thường xuyên được Kiểm toán nhà nước (KTNN) xác định khi kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 là 1.013.449,314 tỷ đồng, bằng 90,8% dự toán (giảm 102.554,319 tỷ đồng) và bằng 59,3% tổng chi NSNN (1.709.523,706 tỷ đồng).

Ghi nhận theo báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 của Chính phủ, KTNN nêu rõ, do tình hình dịch bệnh nên một số nhiệm vụ chi thường xuyên có tỷ lệ thực hiện thấp hoặc không thực hiện, phải hủy dự toán; trong đó một số khoản chi sự nghiệp ngân sách Trung ương (NSTW) có tỷ lệ thực hiện thấp.
         
Năm 2020, tỷ lệ thực hiện chi bảo vệ môi trường là 47,4%; chi văn hoá thông tin 61,5%; chi thể dục thể thao 75,2%; chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề đạt 81,9%. Theo KTNN, chi bảo vệ môi trường thực hiện trong những năm gần đây liên tục đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 50%).

Ngoài ra, qua kiểm toán tại các Bộ, cơ quan TW và địa phương cho thấy, tại một số Bộ, cơ quan TW còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn; chứng từ chi chưa đảm bảo, chưa đầy đủ; tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí chưa phù hợp với thực tế dẫn đến chi không hết và chuyển nguồn năm sau cao. Chẳng hạn, tại 01 đơn vị, KTNN phát hiện có chênh lệch thu chi từ nguồn phí để lại sau khi đã trích lập các quỹ còn dư đến thời điểm 31/12/2020 là 44,67 tỷ đồng nhưng đơn vị chưa có phương án sử dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một số Bộ, cơ quan TW quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ chưa đúng quy định. Đáng chú ý, có đơn vị chưa lập dự toán nguồn viện trợ nên chưa được xác nhận viện trợ và ghi thu, ghi chi đến 31/12/2020 là 18,35 tỷ đồng. Có dự án chưa lập tờ khai và làm thủ tục xác nhận viện trợ kịp thời theo quy định; số ghi thu, ghi chi tạm ứng năm 2020 cao hơn kinh phí thực nhận.

Một số dự án chưa gửi báo cáo định kỳ hàng quý cho cơ quan chủ quản kiểm tra, tổng hợp để lập Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng vốn viện trợ đã ghi thu, ghi chi chi tiết từng dự án, gửi Kho bạc Nhà nước hạch toán theo quy định.

Tại thời điểm kiểm toán (06/5/2021), một số dự án chưa hoàn thành công tác thanh toán tạm ứng vốn viện trợ đã ghi thu, ghi chi; một số dự án đã kết thúc từ 4 đến 10 năm nhưng chưa thực hiện quyết toán và lập Báo cáo quyết toán theo quy định.

Nhiều đơn vị không làm thủ tục hoàn ứng, xác nhận số thực chi để tổng hợp ghi thu, ghi chi; không làm thủ tục xác nhận viện trợ đầy đủ khi kinh phí đã được giải ngân; kinh phí đã thực chi nhưng không thực hiện thủ tục xác nhận số thực chi làm cơ sở để ghi thu, ghi chi và quyết toán trong năm.

KTNN cũng chỉ rõ một số dự án đã kết thúc từ nhiều năm, còn dư kinh phí nhưng không thuyết minh được nội dung chi, không rà soát xử lý theo hướng dẫn tại Công văn số 9208/BTC-QLN ngày 11/7/2017; tiếp nhận dự án viện trợ nhưng không có quyết định phê duyệt dự án.

Thực hiện không đúng quy định làm tăng chi ngân sách

Đáng quan ngại là tình trạng ngân sách tỉnh hụt thu lớn nhưng một số địa phương còn bổ sung ngoài dự toán để thực hiện các nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết làm tăng chi ngân sách. Trong đó, có địa phương bổ sung ngoài dự toán tới 33,4 tỷ đồng. Địa phương này còn bổ sung hỗ trợ các cơ quan TW đóng trên địa bàn để chi hoạt động thường xuyên và mua sắm, sửa chữa 5,83 tỷ đồng.

Tại một địa phương khác, KTNN nêu rõ, mặc dù thu cân đối ngân sách tỉnh liên tiếp hụt thu 02 năm nhưng Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh vẫn quyết nghị dự toán năm 2020 cho 07 khoản chi hoạt động vượt so với định mức đã quy định tại Nghị quyết HĐND về định mức phân bổ ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách, làm tăng chi ngân sách địa phương năm 2020 tới 375,92 tỷ đồng.
         
Theo ghi nhận của KTNN, có 09/45 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; thực hiện ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn chưa phù hợp quy định. 07/45 địa phương sử dụng nguồn dự phòng chi cho một số nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách; 31/45 địa phương sử dụng sai nguồn 1.992 tỷ đồng, trong đó riêng 01 địa phương đã sử dụng sai nguồn số tiền 1.011 tỷ đồng, trong khi số tiền sử dụng sai nguồn của các địa phương khác dao động từ vài tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng.

Một số địa phương đã sử dụng dự phòng ngân sách, định kỳ chưa báo cáo thường trực HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật NSNN năm 2015.

Trong lĩnh vực dịch vụ công ích, KTNN chỉ ra bất cập là địa phương bố trí kinh phí thanh toán chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt cho các chủ nguồn thải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong khi theo khoản 1 Điều 25 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì chủ nguồn thải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không thuộc đối tượng chi từ nguồn kinh phí ngân sách.
                
   

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ đối tượng chi dịch vụ công ích từ nguồn kinh phí ngân sách. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới

   

Có địa phương đã ban hành một số tỷ lệ định mức áp dụng không đồng nhất giữa các quận, huyện và sở, ngành trên cùng địa bàn. Hầu hết các khối lượng dịch vụ về vệ sinh đô thị, chăm sóc cây xanh, thu gom xử lý rác, xử lý nước thải của 01 tỉnh chưa thực hiện việc đấu thầu theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Có địa phương hỗ trợ lãi suất khoản vay mua sắm phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt cho các đơn vị trước khi dự án được phê duyệt.

Về thực hiện cải cách tiền lương, theo quy định tại các phụ lục giao dự toán thu chi NSNN năm 2020 của các địa phương tại Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, số bổ sung thực hiện cải cách tiền lương được xác định chính thức căn cứ vào kết quả thẩm định tiền lương. Tuy nhiên, đến ngày 28/02/2022, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả thẩm định đối với các địa phương (các địa phương đã rút hết dự toán).

Kết quả kiểm toán tại các địa phương cho thấy, 09/45 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí, thu sự nghiệp khác và nguồn năm trước chuyển sang hoặc xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương số tiền 608,8 tỷ đồng.

Trong đó, KTNN đã kiến nghị giảm dự toán năm sau hoặc nộp trả NSTW số tiền 416,5 tỷ đồng. Cùng với đó, KTNN cũng nêu một số đơn vị tại 38/45 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định số tiền 2.341 tỷ đồng./.

PHÚC KHANG



Cùng chuyên mục
Chi thường xuyên đảm bảo đúng định hướng nhưng nhiều khoản có thể giảm chi