Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt.Ảnh:dangcongsan.vn |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực cùng các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực Phan Đình Trạc chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực; lãnh đạo chủ chốt các ban, Bộ, ngành T.Ư và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước.
Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh trực tiếp tham dự Hội nghị tại Hội trường Ban Chấp hành T.Ư Đảng.
Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) có đại diện Lãnh đạo KTNN; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN có trụ sở tại Hà Nội.
Hội nghị T.Ư 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước.
Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo T.Ư để chỉ đạo cả công tác PCTN và công tác phòng, chống tiêu cực.
Quang cảnh Hội nghị tại Hội trường Ban Chấp hành T.Ư Đảng. |
Kết quả PCTN, tiêu cực 10 năm qua được thể hiện trên các nhóm vấn đề lớn là: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", tạo bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực".
Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực được đổi mới, tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí trong PCTN, tiêu cực được phát huy tốt hơn...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận, làm rõ những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua; đồng thời nêu lên một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Theo đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở KTNN. Ảnh: LÊ HÒA |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những kết quả nổi bật của công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trong 10 năm qua; đồng thời khẳng định công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Tổng Bí thư cũng nêu bật nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, trong đó cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực; Ban Nội chính T.Ư là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
"Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, tiêu cực" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tiêu cực, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính T.Ư cũng như địa phương cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của 10 năm qua; nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng thời, phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
"Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ" - Tổng Bí thư nêu rõ./.