Niềm tin của các doanh nghiệp được củng cố
Sự cải thiện rõ rệt trong tâm lý DN, với kỳ vọng tăng trưởng dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực hơn đã được phản ánh trong kết quả khảo sát được tiến hành vào tháng 1 và tháng 7-8/2024.
“Bức tranh” triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay được cộng đồng DN đánh giá sáng sủa hơn, với kịch bản tăng trưởng từ 6% - 6,5% được nhiều DN đánh giá mang tính khả thi nhất. Tỷ lệ DN kỳ vọng tăng trưởng từ 6% - 6,5% và trên 6,5% tăng mạnh, lần lượt cao hơn 17,6% và 14,3% so với kết quả khảo sát đầu năm - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết.
Nhận định về triển vọng lợi nhuận của bản thân, 58,3% số DN kỳ vọng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn so với nửa đầu năm đã qua. Tiền đề vĩ mô tương đối khả quan trong những tháng gần đây đã hỗ trợ cho những đánh giá tích cực của DN, củng cố niềm tin cho sự ấm dần lên của các thị trường và sự tăng tốc mạnh hơn của nền kinh tế.
Nhìn chung, xu hướng lạc quan hơn được ghi nhận song vẫn có sự phân hóa trong dự báo của DN, do sự phục hồi chưa đồng đều ở các lĩnh vực.
Theo chia sẻ của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương ngày 06/9, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 8 tháng qua là hơn 82,8 nghìn DN, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; 13,8 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18%. Bình quân một tháng có 16,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy áp lực đối với DN vẫn lớn.
Cộng đồng DN nhận định còn nhiều rủi ro và thách thức tồn tại có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, do đó, cần những bước đi chiến lược, triển khai các giải pháp phù hợp để kích thích và tận dụng cơ hội, vững vàng vượt khó khăn.
Với hiệu ứng mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, hoạt động thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự hồi phục tích cực, với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận sự khởi sắc trở lại. Xu hướng tăng trưởng được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong nửa sau năm nay trên cơ sở kỳ vọng vào sự phục hồi của chu kỳ hàng điện tử và sự cải thiện của nhu cầu thế giới nói chung.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít thách thức như rủi ro chi phí vận chuyển gia tăng do xung đột địa chính trị, sự hồi phục không đồng đều của các nền kinh tế lớn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu đối thủ…
Đặc biệt, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường khiến các DN xuất khẩu vào quốc gia này có thể tiếp tục gặp các biện pháp phân biệt trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Điều này có thể dẫn đến việc chi phí sản xuất của DN Việt Nam không được tính toán chính xác, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8%).
Tuy nhiên, cầu tiêu dùng trong nước hiện vẫn còn tương đối thấp khi người tiêu dùng cảnh giác trong việc chi tiêu do lo ngại áp lực lạm phát gia tăng và những bất định diễn ra trong những năm qua. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, tiêu dùng nội địa nhìn chung có khả năng tiếp tục cải thiện nhẹ nhờ chính sách cải cách tiền lương, tác động trễ của chính sách tiền tệ và bối cảnh niềm tin thị trường dần phục hồi.
Về đầu tư, mặc dù đầu tư công luôn được xem là trụ cột quan trọng cho nền kinh tế và giải ngân đầu tư công nhận nhiều kỳ vọng sẽ tăng tốc, tuy nhiên, thực tế tình hình giải ngân đầu tư công 7 tháng qua vẫn chưa có nhiều dấu hiệu bứt phá. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 363,1 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 48,6% và tăng 24,5%).
Các chuyên gia cho rằng, việc giải ngân vẫn gặp một số vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách, biến động giá nguyên vật liệu. Trong giai đoạn nửa cuối năm, hoạt động giải ngân đầu tư công được kỳ vọng bứt phá theo yếu tố chu kỳ. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm cũng có khả năng chứng kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định sau khi ghi nhận kết quả nổi trội trong 8 tháng vừa qua.
Chiến lược duy trì lợi nhuận từ góc nhìn doanh nghiệp
Ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report cho biết, nhìn nhận về những khó khăn phía trước, các DN bày tỏ sự lo ngại về các thách thức liên quan đến bất ổn địa chính trị kéo dài, khó đoán định, sự thay đổi của các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế sau bầu cử, cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ…
Theo World Bank, nền kinh tế toàn cầu đang ổn định lại. Dù có sự cải thiện trong ngắn hạn nhưng triển vọng vẫn khiêm tốn và không đồng đều do độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt, củng cố cân đối ngân sách, tăng trưởng tiêu dùng chưa có bước đột phá và tình trạng phân mảnh thương mại tiếp tục diễn ra.
Bên cạnh đó, sức ép từ tỷ giá và lạm phát là một yếu tố mà 46,7% DN lo ngại có thể là thách thức làm tình trạng tài chính bản thân trở nên căng thẳng. Tỷ giá USD/VND đã nhích tăng từ đầu năm, tăng vọt vào thời điểm tháng 4 và duy trì mức cao trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỷ giá được nhận định có thể sẽ hạ nhiệt và dao động với biên độ hẹp hơn khi thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất được dự báo đang đến gần, Ngân hàng Nhà nước có các động thái điều hành linh hoạt, thặng dư thương mại và thị trường vàng ổn định hơn, dòng vốn FDI dồi dào cũng như triển vọng du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Để vượt qua khó khăn, các DN kỳ vọng nhiều vào những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giải quyết gốc rễ các vấn đề kinh tế. Cùng với đó là sự chủ động vươn lên của DN trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Trước các áp lực lớn, để giữ vững vị thế cũng như sức bật lợi nhuận, các DN “bật mí” chìa khóa chiến lược trong nửa cuối năm 2024 sẽ xoay quanh: Tối ưu chi phí - Đổi mới - Kết nối - Nhân sự.
Với tỷ lệ DN bình chọn cao nhất (62,5%), chiến lược tối ưu hóa chi phí hoạt động là ưu tiên trọng tâm được các DN tập trung đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng lợi nhuận, qua nhiều hoạt động đã và đang được triển khai như tái cấu trúc DN, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Trên cơ sở cấu trúc chi phí tối ưu hơn, DN kỳ vọng có thể tái đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm và mở rộng thị trường một cách bền vững hơn.
Trong khi đó, đổi mới, thích ứng với thị trường tiếp tục là kim chỉ nam đối với các DN trong việc xoay sở để tăng lợi nhuận bền vững. Khả năng phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội để DN đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tạo ra các nguồn thu nhập mới, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, khâu kết nối, tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác cũng được nhiều DN chú trọng nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường, chia sẻ nguồn lực và giảm thiểu rủi ro, bổ sung thế mạnh của nhau để cùng mạnh mẽ hơn, trong khi phát triển nhân sự - tài sản chiến lược của DN tiếp tục năm thứ tư liên tiếp nằm trong Top 5 trọng tâm chiến lược nửa cuối năm./.