Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tham dự và phát biểu chỉ đạo Tọa đàm.
Tọa đàm diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc và Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm. Cùng tham dự có hơn 150 đại biểu đến từ các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, là chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, là phương tiện để nâng cao hiệu quả các nguồn lực trong xã hội.
Ở Việt Nam, KHCN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng. Vì vậy Đảng, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển KHCN đổi mới sáng tạo.
Công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, việc tuân thủ các quy định trong quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN được Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân hết sức quan tâm. Từ đó đề ra những giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, năm 2023, KTNN triển khai toàn ngành cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương”. Đến thời điểm này, các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã hoàn thành các cuộc kiểm toán chuyên đề và có nhiều phát hiện nổi bật, ngoài kiến nghị xử lý về tài chính còn chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, thiếu nhất quán của cơ chế chính sách, gây không ít khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán trong quá trình tổ chức thực hiện.
Để đúc kết, đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, bất cập và tìm ra giải pháp khắc phục, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm toán năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các đại biểu tham dự Toạ đàm tập trung thảo luận các vấn đề: Công tác phát hiện, kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 do KTNN các chuyên ngành và khu vực thực hiện; Thực trạng công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN tại các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là vai trò quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức thực hiện kiểm toán: phương pháp, thủ tục kiểm toán, việc thu thập, lưu giữ các bằng chứng, tổng hợp kiến nghị kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán; đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả của các cuộc kiểm toán chuyên đề nói chung và kiểm toán đối với lĩnh vực KHCN nói riêng.
Tại Tọa đàm, đại diện các đơn vị đã thông tin về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022; Thực trạng và khuyến nghị về việc tổng hợp kết quả, kiến nghị và phát hành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho KHCN; Kinh nghiệm và các phát hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho KHCN tại các địa phương…
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật nội dung của Tọa đàm…