Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV- Ảnh:Quochoi.vn |
Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017.
Báo cáo đã tập trung đánh giá từ công tác lập và giao dự toán đến việc chấp hành ngân sách và quyết toán ngân sách; phân tích, chỉ ra những mặt đã làm được và những bất cập, tồn tại trong từng khâu của quy trình thu, chi, quyết toán ngân sách. Trong đó có những bất cập, hạn chế đã tái diễn nhiều năm nhưng chậm được khắc phục như: dự toán thu chưa bao quát hết nguồn thu; tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và các khoản phải nộp khác; việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm thuế không đảm bảo điều kiện quy định; nợ thuế gia tăng...
Trong chi NSNN, báo cáo tiếp tục chỉ ra nhiều sai sót, tồn tại trong phân bổ vốn; trong quản lý chi đầu tư; tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách trung ương đạt thấp; chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 vẫn ở mức cao.
Qua kết quả kiểm toán, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 cũng xác định số bội chi NSNN và kết dư ngân sách địa phương; số dư nợ công đến ngày 31/12/2017.
Điểm nổi bật trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 là thông qua các chuyên đề kiểm toán chuyên sâu, KTNN đã có những đánh giá, chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cũng như những bất cập về cơ chế chính sách, nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội về những vấn đề, lĩnh vực nóng được dư luận xã hội quan tâm như: Công tác quản lý hoàn Thuế Giá trị gia tăng; việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển; hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; vi phạm và những bất cập trong cơ chế chính sách thực hiện các dự án BOT; BT; công tác quản lý, sử dụng đất… Từ đó, KTNN đưa ra những kiến nghị xử lý tài chính cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đối với công tác quyết toán ngân sách, ngoài việc xác nhận số liệu quyết toán và đề nghị Quốc hội phê chuẩn theo cáo cáo của Chính phủ, KTNN đề nghị Quốc hội Ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN.
Đ. KHOA