Bất cập chính sáchgây thất thu thuế
Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, thuế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN, là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô và có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách tài khóa của mỗi quốc gia. Chính sách thuế còn gắn liền với các vấn đề về sự tăng trưởng kinh tế, sự công bằng trong phân phối và sự ổn định xã hội.
Khẳng định công tác quản lý thuế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhận định: “Việc thực thi pháp luật về thuế vẫn còn một số vấn đề tồn tại, số tiền thất thu còn lớn mà nguyên nhân chủ yếu từ tình trạng trốn thuế, gian lận thuế”.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: NGUYỄN LỘC
Nhiều đại biểu chỉ ra nguyên nhân là do chính sách thuế trong những năm gần đây được sửa đổi, bổ sung nhiều lần dẫn đến thiếu đồng bộ, minh bạch trong thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý thuế, gây khó khăn cho người nộp thuế. Nhiều văn bản về thuế còn chung chung, chưa cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Các quy định về chức năng quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế từ khâu đăng ký, kê khai, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, xử lý tiền chậm nộp, nợ đọng thuế còn chưa rõ ràng, minh bạch...
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc sửa đổi chính sách thuế thường xuyên làm mất dần đạo lý, tính hệ thống của các sắc thuế dẫn đến thiếu đồng bộ, minh bạch trong thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý thuế, khó thích ứng của người nộp thuế đối với cơ chế, chính sách mới dẫn đến sai sót, rủi ro trong thực hiện, thậm chí có trường hợp tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Trong tham luận của Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Doãn Anh Thơ cũng nêu rõ: Những bất cập trong chính sách thuế chưa được giải quyết triệt để và chưa thể hiện đầy đủ sự minh bạch trong thực thi, khiến một số cán bộ thuế và nhiều DN còn cảm thấy lúng túng trong quá trình tuân thủ pháp luật thuế tại Việt Nam. Một số chính sách còn mang nặng tính áp đặt hành chính và trên thực tế khó thực hiện như quy định về giá chuyển nhượng, ấn định thuế.
Khẳng định vai trò của công tác kiểm toán trong quản lý thuế
Từ kết quả thực tiễn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: KTNN đã trở thành công cụ hữu hiệu ngăn ngừa những sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật thuế. Kết quả kiểm toán cho thấy mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình DN và các sắc thuế; công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của DN… Qua kiểm toán, cùng với các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã gửi hàng trăm kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế đối với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật thuế.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, kiểm toán thuế là một trong những nội dung cơ bản của mỗi cuộc kiểm toán. Đây là loại hình kiểm toán đặc biệt vì không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của các đối tượng nộp thuế, của người quản lý thuế và quan trọng hơn là đánh giá tác động của các chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế - xã hội.
PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cũng cho rằng, hơn lúc nào hết, KTNN phải luôn củng cố kiểm tra tài chính của Nhà nước để thực hiện quyền lực của nhân dân bằng kiểm kê, kiểm soát. Ý kiến xác nhận của KTNN về thuế là bảo đảm sự tin cậy của thông tin tài chính, ngân sách. Kiểm toán thuế là một phương thức kiểm toán cần có sự quan tâm, kiểm tra, đánh giá tình hình chấp hành luật pháp của DN, tính hiệu quả của các sắc thuế. Do đó, cần hình thành những hướng dẫn riêng về kiểm toán thuế với những mục tiêu, yêu cầu và quy trình, phương pháp cụ thể.
Đề xuất giải pháp hoàn thiện, tăng cường vai trò của KTNN trong kiểm toán thuế, đại diện KTNN cho rằng, cần hoàn thiện Luật KTNN theo hướng cụ thể hóa, đầy đủ, toàn diện trong việc quy định rõ đối tượng kiểm toán, vai trò, nhiệm vụ của KTNN trong hoạt động kiểm toán thuế và cung cấp đủ chức năng, quyền hạn để thực hiện. Điều này nhằm đảm bảo phát huy được vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế một cách toàn diện, tạo một kênh trung gian phản hồi lại những bất cập của chính sách thuế. Một trong những giải pháp được bà Cúc đề xuất là phải xác định tiêu thức rủi ro trong kiểm toán, thanh tra thuế, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong quá trình thanh tra, kiểm toán giữa cơ quan thuế với KTNN. Đồng thời, phải có biện pháp giải quyết dứt điểm nợ đọng về thuế tồn tại từ các năm trước theo kiến nghị của cơ quan KTNN, cơ quan thanh tra và quản lý chặt chẽ số nợ thuế mới phát sinh.
NHÓM PHÓNG VIÊN
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)