Chống hàng giả, gian lận thương mại: Cần sự đồng lòng từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, người dân

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 50.000 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, số vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm tăng gần 80%, hàng giả tăng hơn 8%.

Đó là một số thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức tại thành phố Đà Nẵng sáng 07/7.

Xử lý hơn 50.000 vụ gian lận thương mại 6 tháng đầu năm

hang-gia-2.jpg
Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - gian lận thương mại trong tình hình mới tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 07/7 

Theo ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389, các hành vi buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin người tiêu dùng và an toàn xã hội. Hội nghị là dịp nhìn lại thực trạng và đề xuất giải pháp hiệu quả, đồng bộ cho giai đoạn mới. 

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua được triển khai quyết liệt. Đặc biệt, trong đợt cao điểm đấu tranh vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng theo chức năng nhiệm vụ được giao, đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả và là một trong số các tỉnh, thành được Chính phủ biểu dương ghi nhận đánh giá cao trong công tác triển khai thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Con số thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34%); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 34,14%); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,64%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng (tăng 6,39%); khởi tố hình sự 1.899 vụ (tăng 192,15%), 3.271 đối tượng (tăng 70,99%).

Riêng trong tháng cao điểm từ  ngày 15/5 - 15/6/2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó, 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.

Cần sự đồng lòng từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, người dân

Tại Hội nghị, ông Đỗ Hồng Trung cũng nhận định: Dự kiến thời gian tới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại khác sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thậm chí có thể gia tăng về số lượng, quy mô và tinh vi hơn.

1-1751864752743.jpg
3-1751864773679.jpg
Đại biểu tham quan các gian hàng giúp phân biệt hàng thật, hàng giả tại Hội nghị.

Ngoài các phương thức thủ đoạn thường thấy, đã được nhận diện, xác định trong công tác nghiệp vụ của các lực lượng chức năng thời gian qua như; tại cửa khẩu; lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thông quan hàng hóa, chính sách kho ngoại quan, hệ thống thông quan tự động, vào nội địa; chia nhỏ, phân tán ngay từ khi qua cửa khẩu về các điểm tập kết theo đơn hàng, nhóm hàng, lưu chứa nhiều nơi, không kéo dài thời gian, lựa chọn địa điểm thưa dân cư, nguỵ trang kín đáo… nhằm che mắt cơ quan chức năng để thực hiện sản xuất và buôn bán hàng hóa vi phạm.

Trong tình hình mới, phương thức thủ đoạn của các đối tượng sẽ tinh vi hơn, bài bản hơn do xã hội có nhiều tiến bộ về thương mại điện tử, thương mại thời công nghệ số cũng như các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Trước thực trạng đó, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng thực thi, doanh nghiệp, người tiêu dùng một cách toàn diện, trách nhiệm, triệt để và đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, quy định về tiêu chuẩn quốc gia và chất lượng hàng hóa và pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Các sàn thương mại điện tử đóng vai trò trung gian kết nối người bán và người mua, nên có trách nhiệm lớn trong việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về phía cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và công khai minh bạch từ phía các lực lượng. Khi luật pháp đủ mạnh, thực thi nghiêm túc và người dân có ý thức, nạn hàng giả mới được đẩy lùi.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn cửa hàng chính hãng, các trung tâm thương mại uy tín, website chính thức, các đại lý ủy quyền của chủ thể quyền, đối với việc thực hiện mua sắm online trên các nền tảng cần có sự tham khảo, lựa chọn, so sánh và đánh giá kỹ cũng như kiểm tra hàng hóa, đặc biệt lựa chọn người bán, gian hàng uy tín, không thực hiện mua bán đối với các nền tảng xã hội không rõ xuất xứ chủ trang hàng và đặc biệt không mua hàng bằng cảm xúc, cảnh giác trước các chiêu trò hàng giá rẻ, giảm giá sốc, hàng thanh lý và các khuyến mại đi kèm.

Người tiêu dùng cũng cần cập nhật các kiến thức, cách thức phân biệt hàng hóa giả mạo, các khuyến cáo của chủ thể quyền, chủ nhãn hàng đối với hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng trước khi thực hiện hành vi tiêu dùng, có thể sử dụng các công cụ chống hàng giả để kiểm tra đánh giá hàng hóa theo khuyến cáo nhằm tăng độ tin cậy khi mua hàng.

Đồng thời, không tiếp tay cho sản xuất hàng hóa giả, buôn bán thương mại hàng giả hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại khác, đặc biệt tuyên truyền đến các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp không sử dụng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để phát huy biện pháp cắt cầu cắt cung. Kịp thời chia sẻ thông tin đến các lực lượng chức năng như; quản lý thị trường, công an các sàn thương mại khi gặp phải hàng hóa giả mạo để các lực lượng thực thi kịp thời xử lý loại bỏ hàng giả trên thị trường.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, cảnh báo tác hại của hàng giả, hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt thật - giả và không tiếp tay cho hành vi tiêu thụ hàng hóa vi phạm./.

Cùng chuyên mục
  • Tòa án nhân dân tối cao phát động đợt cao điểm thi đua hành chính
    3 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập ngành Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa phát động phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề “Lập thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt cao điểm 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân và triển khai cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân”. Phong trào diễn ra từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/8/2025.
  • Ngành Tòa án triển khai Luật mới: Không để xảy ra quá hạn xét xử
    3 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Trước yêu cầu cụ thể hóa các quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, ngành Tòa án đang khẩn trương triển khai thi hành với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt. Người đứng đầu ngành đã quán triệt rõ định hướng hành động: không để xảy ra tình trạng quá hạn xét xử, phân công rõ ràng các chức danh tư pháp, siết chặt kỷ cương trong công tác chuyên môn, nhằm đảm bảo bộ máy tư pháp vận hành hiệu quả, thông suốt và đúng pháp luật.
  • Hoàn thiện Dự thảo Luật Giám định tư pháp (thay thế)
    3 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi vừa chủ trì cuộc họp Tổ soạn thảo, Tổ giúp việc, nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Giám định tư pháp (thay thế).
  • Bảo đảm thống nhất tổ chức và tố tụng trong hệ thống Tòa án
    4 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các TAND trên toàn quốc. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật tố tụng và tổ chức Tòa án trong thực tiễn xét xử.
  • Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự
    5 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1452/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chống hàng giả, gian lận thương mại: Cần sự đồng lòng từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, người dân