Chống lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Bài cuối: Để khoa học, công nghệ là “bệ phóng” cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững

(BKTO) - Những rào cản do nguồn lực hạn chế, đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt là những bất cập từ cơ chế đang gây trở ngại cho các nhà khoa học trong nghiên cứu và đưa sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tiễn… Tất cả những vấn đề này cần được nhận diện và có giải pháp tháo gỡ kịp thời để KHCN “cất cánh”, thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, theo đúng mục tiêu, định hướng Đảng đề ra.

rui-ro-khoa-hoc.jpg
Những bất cập về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KHCN cần sớm được tháo gỡ để đảm bảo nguồn lực đầu tư cho KHCN được sử dụng hiệu quả. Ảnh: TL

Đảm bảo nguồn chi, gỡ "bòng bong" thủ tục, chứng từ

Trên thực tế, việc đầu tư dàn trải, “nhỏ giọt” cho nghiên cứu khoa học khiến nguồn kinh phí cho một công trình nghiên cứu đã thiếu lại không kịp thời. Hệ lụy của bất cập này không những làm nản lòng nhà khoa học mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng công trình nghiên cứu.

Qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ KHCN, nhiều đơn vị cho biết, một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN chưa rõ ràng, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi.

Đơn cử, quy định về mua sắm công còn chưa xét đến đặc thù của lĩnh vực KHCN. Theo đại diện một số đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, từ kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về việc chia nhỏ sản phẩm mua sắm phục vụ cho nghiên cứu, đơn vị đã nghiêm túc tiếp thu kiến nghị của KTNN. Tuy nhiên, các đơn vị cũng cho rằng, việc áp dụng quy định mua sắm công với KHCN cần được sửa đổi cho phù hợp với đặc thù KHCN.

Hoạt động nghiên cứu KHCN cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ NSNN. Nếu không làm được điều này thì sẽ khó có được cơ chế tài chính thực sự đơn giản hóa để “cởi trói” cho nhà khoa học trong việc thực hiện thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ KHCN.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt

Theo quy định thì đơn vị phải có kế hoạch mua sắm tập trung đối với cùng một mặt hàng. Nhưng có thời điểm, để kịp thời phục vụ cho nghiên cứu, đơn vị vẫn buộc phải mua, dù biết là không đúng. "Ví dụ như sản phẩm hóa chất, đơn vị không thể mua tập trung, một lần do không có kho chứa lưu trữ an toàn" - đại diện một đơn vị cho biết.

Chưa kể, nhà khoa học còn phải loay hoay hoàn thiện đủ mọi thủ tục, chứng từ thanh quyết toán đề tài; thậm chí hồ sơ thanh toán, quyết toán nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học. Chính "rừng" thủ tục rối rắm này khiến cho nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu ngại... nghiên cứu, do yêu cầu nhiệm vụ cao, trong khi không thể chuyên tâm nghiên cứu - lãnh đạo Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ.

Dẫn chuyện “con gà, quả trứng” không có hồi kết để nói về việc nhà khoa học phải giải quyết thủ tục thanh, quyết toán cho đề tài, PGS,TS. Nguyễn Phương Thảo (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một trong những rào cản lớn làm nản lòng nhà khoa học, cũng như đánh mất cơ hội trong khoa học. Hay như chia sẻ của GS,TS. Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Các nhà khoa học làm chủ được chuyên môn nhưng lại mất khá nhiều thời gian để xử lý thủ tục giải ngân với quá nhiều giấy tờ…

Trong khi đó, quy định về thực hiện khoán chi trong hoạt động KHCN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC - được đánh giá là điểm mới, có tính đột phá so với các quy định trước đây - song chưa được triển khai trong thực tế...

Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, Bộ và các đơn vị chưa áp dụng được hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Bởi, việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các sản phẩm KHCN trong việc triển khai phương thức này chưa có hướng dẫn cụ thể. Hầu hết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng phục vụ hoạt động R&D (hoạt động nghiên cứu tạo ra dây chuyền công nghệ, thiết bị mới để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh) chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành.

Từ những bất cập trên, tại Nghị quyết chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu: Tăng cường đầu tư từ NSNN cho KHCN, bảo đảm từ 2% tổng chi ngân sách trở lên theo quy định của Luật KHCN; thống kê; tổng hợp số liệu, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng NSNN chi cho đầu tư phát triển KHCN tại các cơ quan, địa phương; rà soát, đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học, mở rộng cơ chế giao khoán sản phẩm...

“Gỡ rào cản” để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống

Cùng với những rủi ro trong khoa học, tình trạng công trình nghiên cứu dù được đầu tư công phu, trải qua quy trình tuyển chọn, xét duyệt nghiêm ngặt nhưng không được đưa vào ứng dụng kịp thời; làm lãng phí nguồn lực đầu tư nghiên cứu, lãng phí chất xám của nhà khoa học, cũng là câu chuyện đáng bàn.

dsc_0021-1600x1200-.jpg
Công tác chuyển giao sản phẩm nghiên cứu  KHCN vào thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: N. LỘC

Theo đánh giá của lãnh đạo Trường Đại học Giáo dục, phần lớn các nghiên cứu hiện nay thuộc về nghiên cứu cơ bản. Bên cạnh đó, dù đã có bước phát triển, nhưng so với nhu cầu thực tế, thị trường KHCN còn trầm lắng, vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc.

Doanh thu mang lại từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho KHCN.

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiêp (Bộ KHCN)

Đáng chú ý, hiện đang tồn tại một nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ, cơ sở nghiên cứu có kết quả nghiên cứu nhưng không chuyển giao được vì sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật. Mặt khác, vì sợ rủi ro nên chưa nhiều nhà khoa học chọn phương án tự khởi nghiệp, còn doanh nghiệp thì chưa dám đầu tư kinh phí, chủ động đặt hàng nhà khoa học giải quyết vấn đề cụ thể…

Đơn cử, cơ chế xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP (tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KHCN và tài sản hình thành là kết quả của nhiệm vụ KHCN) chưa tạo được sự an toàn cho cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học. Bởi, việc định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN, cũng là cơ sở để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hiện nay còn nhiều vướng mắc.

Từ cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước về KHCN đang bộc lộ nhiều bất cập, cần thay đổi, đặc biệt là trong tư duy, nhận thức về KHCN. Trong đó, sự đổi mới trước tiên cần bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước về KHCN - nơi tham mưu xây dựng chính sách về KHCN.

TS. Nguyễn Minh Phong

Theo TS. Trần Hậu Ngọc - Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, tài sản trí tuệ như sản phẩm nghiên cứu rất khó để định giá do liên quan đến nhiều quy định. Nếu quyết tâm thực hiện, nhà khoa học có thể rơi vào "nghịch cảnh" bị quy trách nhiệm khi thương mại hóa thành công sản phẩm nghiên cứu và không hoàn lại nguồn thu cho Nhà nước từ tài sản công được khai thác.

"Đây là rào cản lớn để đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KHCN vào thị trường và giảm khả năng ứng dụng của các công trình nghiên cứu KHCN vào thực tiễn" - TS. Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương cho biết.

Mặt khác, theo Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thanh Thủy, trong bối cảnh nguồn NSNN đầu tư cho KHCN có hạn, Đảng, Nhà nước chủ trương thu hút doanh nghiệp tham gia vào phát triển KHCN, thì quy định kinh phí thương mại hóa kết quả nghiên cứu phải trả lại cho Nhà nước sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp, nhà khoa học sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách đầu tư sẽ không phát huy được vai trò "vốn mồi", theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KHCN và các đơn vị có liên quan rà soát, kiến nghị các cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP theo hướng giao sản phẩm KHCN hình thành từ các nhiệm vụ có sử dụng NSNN cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ để chủ động khai thác, sử dụng và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm theo quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ và các quy định hiện hành khác.

"Việc thu hồi đầu tư từ NSNN cần cân nhắc thông qua các quy định về các loại hình thuế đối với nguồn thu từ thương mại hóa sản phẩm cũng như các quy định về thuế, phí… đối với các tổ chức, cá nhân liên quan" - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đề xuất.

Nêu thực tế vừa qua có nhóm nghiên cứu được đối tác đánh giá rất cao về mặt kinh nghiệm, chuyên môn nhưng nhóm lại không có cơ chế để vận hành phòng thí nghiệm cho đối tác, PGS,TS. Nguyễn Phương Thảo đề xuất Nhà nước có cơ chế để các cơ sở đại học có thể thành lập doanh nghiệp, nhằm giải quyết bài toán chuyển giao công nghệ. Bởi vấn đề này đang gặp khó, do hầu hết người nghiên cứu đang chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức.

dsc_2954.jpg

Khi kết hợp với DN nghiên cứu, nguồn lực nhà nước chỉ tham gia đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện một khâu trong một giai đoạn nào đó, còn để tạo ra sản phẩm cuối cùng thì đó là sự vận hành của cả hệ thống; nên việc bóc tách phần đóng góp từ nguồn lực ngân sách là rất khó định giá. Bất cập này khiến DN “ngại” kết hợp nghiên cứu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét để  cải cách chính sách quản lý tài sản hình thành qua quá trình nghiên cứu cho phù hợp với thực tế.

Ths. Vũ Kim Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch và KHCN - Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ -Luyện kim

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị xem xét điều chỉnh các quy định về quản lý tài sản công liên quan đến thương mại hóa tài sản trí tuệ để các cơ sở nghiên cứu có thể dễ dàng định giá, phục vụ cho thương mại hóa. Đồng thời, xem xét điều kiện để tác giả các nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu có thể tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp KHCN…

Nhà khoa học phải “giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách”…

Với hàng loạt bất cập được chỉ ra từ chính những “người trong cuộc”, có thể thấy, phần lớn nguyên nhân khiến cho đề tài nghiên cứu không thể mang lại hiệu quả cao nhất trước hết là do những bất cập từ cơ chế, từ công tác quản lý, làm cản trở sự phát triển của KHCN.

Do đó, nhiều đơn vị nghiên cứu, người quan tâm đến KHCN kỳ vọng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý KHCN sẽ sớm được tháo gỡ; nhất là khi sắp tới, Luật KHCN sẽ được trình Quốc hội xem xét sửa đổi sẽ có những tư duy, tầm nhìn đột phá về KHCN, từ đó định hình sự phát triển của KHCN trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, dù kỳ vọng, song các bất cập trong thực hiện nhiệm vụ KHCN khó có thể được loại bỏ triệt để. Bởi lẽ, bản thân KHCN là một lĩnh vực chứa đựng đầy rủi ro, tài sản của KHCN mang lại là tài sản trí tuệ, vô hình nên không thể phân định rạch ròi. Nói như PGS,TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải: "Ngay cả một hướng nghiên cứu không thành công cũng có giá trị đóng góp nhất định cho việc phát triển KHCN. Điều quan trọng là người làm khoa học cần phải nêu gương, nỗ lực hết sức mình, vì sự liêm chính khoa học".

Còn theo PGS,TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng), cách để hạn chế rủi ro ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào chính những người nhận xét và phê duyệt các hồ sơ đề xuất khoa học, hay nói cách khác là ở sự liêm chính của hội đồng khoa học.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, một trong ba đột phá chiến lược, bên cạnh thể chế và hạ tầng, là đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát hiện các nút thắt, dỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thật sự thuận lợi, lành mạnh, giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học, gia tăng mạnh mẽ kết quả và hiệu quả đóng góp của KHCN đối với các mục tiêu phát triển đất nước.

TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN

Trao gửi niềm tin cho nhà khoa học, ngược lại, nhà khoa học cần nêu cao tính liêm chính, danh dự khoa học cũng là thông điệp được nhiều chuyên gia, nhà khoa học gửi gắm. Đại diện bộ phận quản lý KHCN của PVN cho rằng, các hội đồng khoa học, với uy tín và trách nhiệm của mình, sẽ là "lưới lọc" hiệu quả nhất những rủi ro có thể có, ví dụ như: Đề xuất còn thiếu cơ sở khoa học, người đề xuất chưa đáp ứng đủ tiêu chí của một chủ nhiệm đề tài; kinh phí quá lớn so với vấn đề đề xuất...

Là một trong những cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của cả nước, theo PGS,TS. Vũ Văn Tích - Trưởng Ban KHCN, Đại học Quốc gia Hà Nội, trên cơ sở bám sát quy định quản lý chung về KHCN, xét duyệt chặt chẽ đầu vào, đầu ra, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà khoa học được trao gửi niềm tin, được tạo điều kiện để tập trung cao nhất vào thực hiện nhiệm vụ khoa học. Đây chính là "bí quyết" giúp Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định uy tín không chỉ với giới khoa học trong nước mà còn với quốc tế.

Cùng quan điểm, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp chia sẻ, nhờ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các đề tài đồng thời đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi giảng viên, các nhà khoa học trong nghiên cứu, vì thế, hiệu quả mang lại từ hoạt động KHCN tại trường những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu đã được ứng dụng hiệu quả vào ngay quá trình giảng dạy của Trường.

dao-trong-cuong20230517235446.jpg

Cơ chế hậu kiểm là cách gia tăng niềm tin với khoa học. Đây là hướng quản lý tất yếu, là xu thế để chúng ta có thể tiếp tục thu hút được nhà khoa học trẻ, thậm chí cả nhà khoa học nước ngoài tới Việt Nam làm việc.

TS. Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương)

Nhiều nhà khoa học cũng mong muốn hình thành và thực thi cơ chế mới trong khoa học, đặc biệt là cơ chế hậu kiểm, gắn với cơ chế khoán tới sản phẩm cuối cùng theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC. Với tư duy quản lý mới, nhà khoa học không chỉ được chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu mà còn được trao niềm tin để có thể chủ động thực hiện các bước trong lộ trình nghiên cứu và có quyền thay đổi một số bước, thay đổi một số chi tiết để tạo ra những sản phẩm đúng cam kết, thậm chí còn vượt trội hơn cả cam kết.

Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (lúc đó đang là Thường trực Ban Bí Thư) đã nhắn nhủ: Các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước cần tiếp tục tân tâm, tận hiến vì quốc gia, dân tộc, giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách; không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ… để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi tinh thần ấy được phát huy ở mỗi nhà khoa học, cùng với những đổi mới căn cơ về cơ chế, chính sách cho KHCN trong thời gian tới, chắc chắn sẽ không còn những đề tài chậm, muộn do chủ quan; sẽ hạn chế tối đa những công trình nghiên cứu “đút ngăn kéo”; để nguồn lực đầu tư cho KHCN được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Từ đó, đưa KHCN thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động; xứng tầm với vai trò là một trong những khâu đột phá, then chốt đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, như mục tiêu được xác định trong Nghị quyết của Đảng./.

Cùng chuyên mục
Chống lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Bài cuối: Để khoa học, công nghệ là “bệ phóng” cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững