Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024: Nhiều thách thức…

(BKTO) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6-6,5%. Giới chuyên gia đánh giá, mục tiêu này còn nhiều thách thức…

1(3).jpg
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%. Ảnh sưu tầm

Đặt mục tiêu cao để phấn đấu

Đánh giá chỉ tiêu này, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn (khoảng từ 5-6%). Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. “Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu” - ông Thanh nhấn mạnh.

Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS. Nguyễn Đức Kiên - cũng nhìn nhận chỉ tiêu này là cao. Khi Chính phủ đưa ra thì trong giải trình với Quốc hội, đấy là phương án cao, nhưng nó cũng là một mục tiêu để phấn đấu, để làm bài toán cân đối vĩ mô, cân đối ngân sách. “Nếu năm nay chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng 5% là cố gắng rất lớn, thì năm 2024 đặt mục tiêu 6% là cao nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu yếu tố đầu vào tương tự như tháng 10/2023 không có các đột biến lớn. Các yếu tố địa chính trị và kinh tế khu vực, kinh tế thế giới ổn định, sức mua của thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được phục hồi. Hiện nay, chỉ còn giá dầu đang diễn biến rất phức tạp. Một số nước đang có những biện pháp để chống lại OPEC+ trong việc tăng giá dầu. Chúng ta chưa biết được các yếu tố đó như thế nào” - ông Kiên chỉ rõ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực - đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5% là nhiều thách thức nhưng chúng ta cần đặt mục tiêu cao để phấn đấu. “Tôi cho rằng, nếu nền kinh tế phát huy được những động lực tăng trưởng hiện hữu, tìm kiếm và khai thác tốt những động lực tăng trưởng mới thì mục tiêu tăng trưởng đề ra khả thi” - ông Lực cho hay. Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Văn Thịnh cũng cho rằng, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là khá cao. Tuy nhiên, từ các điểm sáng nền kinh tế trong quý IV/2023 như: Xuất khẩu, thu hút khách du lịch hay giải ngân vốn đầu tư công, tiêu dùng... đã cho thấy không ít “cánh cửa mở ra” để nước ta có thể đạt được mức tăng trưởng này.

Thách thức vẫn còn, năm 2024 chúng tôi gọi là năm định hình mô hình tăng trưởng mới, tư duy mô hình từ ngành công nghiệp cho đến những lĩnh vực lớn.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Xét trên ba trụ cột tăng trưởng là: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - ông Trần Văn Lâm - nhấn mạnh: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5% là khả thi. Thực tế, xuất khẩu thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, triển vọng. Thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu là rõ nét. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong nước cũng có nhiều yếu tố phục hồi. Đặc biệt, cuối năm 2023 đầu năm 2024, lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 được đưa vào nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả, tác động lên thị trường lớn. Chưa kể, năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm 2023. “Như vậy, trên cả 3 yếu tố thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là hoàn toàn khả thi, có cơ sở. Nếu không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được” - ông Lâm tin tưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Bích Lâm - bình luận, Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% là đã nhận thức được khó khăn của kinh tế trong nước và kinh tế thế giới. Bởi hết năm 2023, tức là đã hết 3/5 nhiệm kỳ 2021-2025, tăng trưởng rất khó khăn. “Tôi cho rằng, Chính phủ đã nhận thức được khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong bối cảnh của kinh tế thế giới chưa phục hồi nên đặt ra mức tăng trưởng như thế là hợp lý” - ông Nguyễn Bích Lâm nêu rõ.

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng?

Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chúng ta cần tăng cường đầu tư trong nước theo hai hướng. Một là đầu tư công thông qua những dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt gắn thời gian phê duyệt đường sắt cao tốc để triển khai cắm mốc và giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt. Hai là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Nếu không gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp nội thì cũng khó có thể đạt được tăng trưởng 6%. “Hai biện pháp cơ bản, quyết định thành công của năm 2024 chính là đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Đối với doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp phát hành trái phiếu, phải kiên quyết cho thực hiện các biện pháp phá sản. Nếu cứ như bây giờ thì tiền vẫn ứ đọng và nó không tạo ra được cú huých cho thị trường bất động sản” - ông Kiên khuyến nghị.

TS. Nguyễn Bích Lâm lưu ý: Chúng ta cần xem những động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, những động lực mới và cả các yếu tố kinh tế, chính trị thế giới tác động vào Việt Nam để xác định động lực. Đặc biệt, động lực đột phá về thể chế là rất quan trọng. Chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, Việt Nam cần phát huy hơn nữa các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Ông Lực dự báo các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ là thúc đẩy kinh tế số, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh liên kết vùng, đặc biệt ở các đầu tàu kinh tế như thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản kinh doanh, đặc biệt khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm./.

Cùng chuyên mục
  • Chống lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Bài 3: Lỗ hổng quản lý và nguy cơ khoa học bị trục lợi
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Qua kiểm tra, giám sát cũng như thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng kinh phí khoa học công nghệ (KHCN) vẫn còn “mảng tối”, “lỗ hổng” dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí, làm mất vai trò then chốt “đi trước, đón đầu” của lĩnh vực này đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước…
  • Chống lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Bài 2: Chi cho hoạt động khoa học vẫn cảnh… “giật gấu vá vai”
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo quy định, chi cho khoa học công nghệ (KHCN) phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách và tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN. Tuy nhiên, trên thực tế, mức chi KHCN còn thấp cùng với đầu tư dàn trải dẫn đến tình trạng “giật gấu vá vai” trong hoạt động KHCN… gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển KHCN, làm giảm sức sáng tạo của nhà khoa học.
  • Chống lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Bài 1: Khoa học công nghệ phải đi trước một bước
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định:“Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,…”. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học, công nghệ (KHCN) trong tiến trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, những bất cập từ cơ chế, chính sách cùng sự lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai đang là rào cản khiến KHCN Việt Nam chưa thể “cất cánh”…
  • Chất vấn: Đổi mới và truyền thống
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Các phiên chất vấn tại Kỳ họp này quả thực sôi động chưa từng thấy. Tính tranh luận và sự quyết liệt đã đạt được nhờ vào một số đổi mới về thủ tục. Đặc biệt là khi Quốc hội không còn lựa chọn trước một số ngành và một số quan chức để chất vấn, mà mọi quan chức đều có thể bị chất vấn theo lĩnh vực.
  • Lấy phiếu tín nhiệm với dân chủ và quản trị quốc gia
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp thứ 6 lần này, một hoạt động rất có ý nghĩa đối với việc phát huy dân chủ và nâng cao chất lượng của nền quản trị quốc gia sẽ được triển khai. Đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với 44 quan chức hàng đầu của đất nước ta.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024: Nhiều thách thức…